Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Không ngại khó dù nhiều sức ép
“Chúng tôi sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục cắt giảm xe ô tô công, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương”.
Rất nhiều sức ép
Phóng viên: Lần đầu tiên nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính vào năm 2013, ông nói rằng “mình không ngại khó khăn”. Tinh thần đó được tiếp nối như thế nào trong năm 2017 - năm thứ 5 ông nắm quyền điều hành Bộ Tài chính?
Ông Đinh Tiến Dũng: Đúng là từ khi tôi nhậm chức đến nay, có rất nhiều sức ép trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN). Dù vậy, với quyết tâm và không ngại khó khăn, cùng với toàn thể cán bộ của ngành tài chính, chúng tôi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã được Quốc hội (QH), Chính phủ giao phó.
Chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ để trình QH ban hành, sửa đổi nhiều luật thuế, chính sách thuế, đầu tư để hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có việc hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn và giảm thuế cho nhiều đối tượng… mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Song song với đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để đẩy mạnh triệt để tiết kiệm chi ngân sách.
Đặc biệt, chúng tôi đã tiên phong thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày với chức danh Thứ trưởng và lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ thuộc Bộ. Trên cơ sở đó, trong năm 2017 chúng tôi sẽ mở rộng việc thực hiện khoán xe công đi công tác trong nội thành đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đi công tác.
Đồng thời, sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng tiếp tục cắt giảm xe ô tô công, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh Thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung nhằm tiết giảm chi phí cho ngân sách.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ tài chính - ngân sách không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Ông xử lý tình huống này như thế nào?
Chúng tôi luôn lắng nghe và tiếp thu để đưa ra các giải pháp tối ưu. Chẳng hạn, xung quanh vấn đề xác định tỷ lệ điều tiết của một số địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, lúc đầu cũng gặp nhiều sự phản đối, đặc biệt là ở những địa phương có tỷ lệ điều tiết giảm mạnh.
Tuy nhiên, sau khi được giải thích, các địa phương cũng đã đồng cảm với khó khăn chung của cả nước, ủng hộ đề xuất mà chúng tôi trình Chính phủ. Bên cạnh đó, để giảm áp lực về ngân sách cho các địa phương, chúng tôi cũng trình Chính phủ báo cáo QH dành một khoản để xử lý hỗ trợ thêm cho một số địa phương, bảo đảm tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn.
Hay việc đẩy mạnh tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP trong thời gian đầu có thể gây hiểu nhầm là Nhà nước cắt giảm ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp công. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, giải thích, các đơn vị cũng đã nhận thấy với phương thức phân bổ ngân sách mới sẽ tạo điều kiện tối đa để các đơn vị có thể phát huy tính chủ động, tự chủ trong công tác tài chính, nhân sự và hoạt động của mình, đồng thời Nhà nước có các điều kiện tốt hơn cho việc cơ cấu lại ngân sách, dành nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên.
Củng cố, siết chặt kỷ luật tài khóa
Trong bối cảnh NSNN gặp nhiều khó khăn, việc thực thi kỷ luật tài khóa còn lỏng lẻo, ông sẽ có những hành động cụ thể nào để siết kỷ luật ngân sách trong năm tới cũng như trong nhiệm kỳ này?
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó đặt ra mục tiêu tỷ lệ bội chi đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP. Kế hoạch Tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020 mới được QH thông qua còn đặt ra mục tiêu cao hơn: đến năm 2020 bội chi không quá 3,5% GDP; nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP.
Để đạt được các mục tiêu này, trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020, bên cạnh các giải pháp để mở rộng nguồn thu và cơ cấu lại chi tiêu, tôi cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để củng cố, siết chặt kỷ luật tài khóa. Đó là, nghiêm túc triển khai thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Luật Phí và lệ phí. Nghiêm túc thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công; Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Về cơ bản, cân đối NSNN được thực hiện theo dự toán hằng năm, trong trường hợp đặc biệt chi vượt dự toán năm thì phải đảm bảo số vượt nằm trong tổng nguồn đã xác định cho 5 năm để đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020. Kiên quyết không thanh toán các khoản chi không đúng chế độ, chính sách và dự toán đã được phê duyệt; không điều chỉnh dự toán ngân sách ngoài các trường hợp được phép điều chỉnh và phải theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng của công tác dự báo, bao gồm cả dự báo tăng trưởng kinh tế và dự báo thu, từ đó có điều kiện để lập dự toán chi ngân sách chính xác hơn, hạn chế rủi ro trong thực hiện các mục tiêu tài chính – ngân sách. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, không ban hành chính sách chi tiêu mới khi chưa bố trí được nguồn kinh phí đảm bảo. Nêu cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách, xử lý nghiêm các trường hợp chi sai chính sách, chế độ, chi vượt dự toán đã được phê duyệt.
Xin cảm ơn ông!