Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế


Chiều 14/8, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có buổi tiếp và làm việc với ông Philippe Houerou, Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). Tham dự buổi tiếp có ông Ousman Dione – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; đại diện IFC tại Việt Nam cùng đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp Tổng giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Nhóm Ngân hàng Thế giới và IFC trong những năm qua đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam thông qua các chương trình vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan và quản lý ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô giúp từng bước cải cách chính sách, thể chế.

Liên quan hợp tác trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những hỗ trợ của Nhóm WB và IFC thời gian vừa qua, đặc biệt trong hỗ trợ về xây dựng thể chế, chính sách tài chính, thuế, bảo hiểm, quản lý nợ công và hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi.

Trong đó, nội dung rất quan trọng đó là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, đây chính là điểm cần đột phá nhằm khơi thông nguồn lực trong nước, vì vậy cần phải thể chế hóa để đưa vào khung khổ pháp lý cao nhất đó là Luật Chứng khoán.

Đối với báo cáo của WB về tình hình thị trường vốn Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ sớm có thư trả lời chính thức gửi về đề xuất hợp tác trong thời gian tới, làm cơ sở để WB triển khai các hỗ trợ kỹ thuật phát triển thị trường vốn theo kế hoạch đề ra tại báo cáo, bởi các lĩnh vực dự kiến hợp tác tại báo cáo là phù hợp với lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030, Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2035. 

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong tương lai nhu cầu sử điện năng sẽ tăng lớn do nhu cầu phát triển kinh tế. Vì vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho Tổng giám đốc IFC.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho Tổng giám đốc IFC.

Tổng giám đốc IFC Philippe Houerou bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua thể hiện thông qua các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện vô cùng quan trọng để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Đông fth[ì cho rằng, đây là nền tảng cơ bản của Việt Nam phát triển trong những năm tiếp theo.

Tổng giám đốc IFC nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều tiềm năng cũng như dư địa để phát triển đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, sản xuất chế tạo, du lịch…Trong đó, có nhiều lĩnh vực mà IFC có thể hợp tác với Việt Nam trong những năm tới như lĩnh vực y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, ông Philippe Houerou cho rằng ngành năng lượng của Việt Nam cần phải đảm bảo nhịp độ tăng trưởng, đầu tư hợp lý để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, cũng như đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân.

IFC cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết bài toán về nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong ngành năng lượng, thông qua huy động nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng không qua bảo lãnh Chính phủ và thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). Theo ông Philippe Houerou, trong bối cảnh nguồn cung ODA đang giảm dần và giới hạn trần nợ công Quốc hội cho phép thì giải pháp phát triển khu vực tư nhân là rất quan trọng để có thể khai thác và sử dụng trong thời gian tới.

IFC/WB cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý tạo thuận lợi cho lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, giới thiệu các chuẩn mực quốc tế trong các hợp đồng PPP nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện nhất để đảm bảo thành công của các dự án PPP, bao gồm cả các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Philippe Houerou khẳng định, IFC sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ chia sẻ với Bộ Tài chính những mô hình và thông lệ tốt của quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực hơn nữa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tổng giám đốc IFC cũng mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam ủng hộ và cho phép IFC phát hành trái phiếu Lotus Bond (trái phiếu Bông sen bằng tiền Việt Nam đồng) của IFC tại Việt Nam, nhằm giúp IFC có các giải pháp tài trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam bằng đồng nội tệ để có thể giảm thiểu những rủi ro về tỷ giá.

Ông Philippe Houerou tin tưởng sáng kiến này của IFC sẽ phát hành trái phiếu này thành công tại Việt Nam trong thời gian tới, từ đó mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp tận nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.