Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kiểm tra, khảo sát một số dự án tại Đồng Nai
Sáng 14/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 và Đoàn công tác đã đi khảo sát một số dự án đang triển khai tại tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác đã kiểm tra, khảo sát 2 dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: xây dựng Cầu Vàm Cái Sứt và đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu).
Trước khi làm việc với các địa phương về tình hình đầu tư công, sản xuất kinh doanh, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 và Đoàn công tác đã đi khảo sát một số dự án đang triển khai tại tỉnh Đồng Nai.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Tại điểm cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai, dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; các thành viên tổ công tác; đại diện một số sở, ngành, chủ đầu tư trên địa bàn; lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Tài chính. Tại các điểm cầu của 5 địa phương có lãnh đạo các địa phương Bình Dương, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai tham dự.
3/12 địa phương có số giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác số 5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo Bộ Tài chính, tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng bình quân chung của cả nước đạt 15,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, có 3/12 địa phương nêu trên có số giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước, bao gồm: Đồng Nai (11,58%), Gia Lai (7,57%), Bình Dương (13,16%) đều là các địa phương đã thực hiện kiểm tra trong tháng 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có công văn gửi các địa phương, chỉ đạo khẩn trương tổ chức thực hiện một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến hết ngày 30/4/2023, 3 địa phương này triển khai giải ngân được 3.212,7 tỷ đồng, đạt 11,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 5 tháng năm 2023 giải ngân được 4.974,345 tỷ đồng, đạt 17,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cụ thể như sau: Tỉnh Đồng Nai đạt 10,85%, ước 5 tháng đạt 20,99%; Gia Lai đạt 335,256, ước 5 tháng đạt 12,74%; Bình Dương đạt 13,21%, ước 5 tháng đạt 16,03%.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân
Theo báo cáo của 3 địa phương, có một số nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn như: khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện.
Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng lý giải, vướng mắc dẫn đến chậm giải ngân liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Cụ thể, Luật Đầu tư công không cho phép bóc tách phê duyệt riêng công tác giải phóng mặt bằng của Dự án nhóm B nhóm C.
Đáng chú ý, việc giải ngân chậm cũng do nguyên nhân những tháng đầu năm các chủ đầu tư thường đang tập trung thực hiện công tác đo vẽ, kiểm đếm, công bố thu hồi đất theo quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được phân công làm tổ trưởng Tổ công tác số 5 có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong 12 địa phương (Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu).