Bộ trưởng Tài chính Mỹ đánh giá thấp Bitcoin, tiền ảo lập tức lao dốc
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết tiền tệ kỹ thuật số có thể dẫn đến thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn, nhưng Bitcoin là một tài sản có tính đầu cơ cao và kém hiệu quả.
Những tưởng Bitcoin sẽ tiếp tục tìm kiếm các đỉnh cao mới không tưởng và chạm 65.000 USD/BTC, tuy nhiên đồng tiền ảo này đã tiếp tục giảm mạnh sau khi có điều chỉnh vào phiên cuối tuần trước.
Đà giảm trong phiên giao dịch ngày 23/2 đạt tới 11% trong vòng 24h, đưa Bitcoin giảm sâu xuống dưới 50.000 USD. Trong thời điểm tồi tệ nhất, Bitcoin mất 16% giá trị, chạm đáy của ngày là 45.041 USD/coin.
Cùng với cú sập của Bitcoin, các đồng tiền giá trị vốn hóa nhỏ hơn như Ether và XRP cũng giảm. Ether giảm 11% xuống 1.573 USD trong khi XRP giảm 17% xuống còn 47 cent/coin.
Tại thời điểm hiện nay trưa 24/2 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin đang giao dịch quanh mốc 51.181 USD/BTC, giảm khoảng 2% tính trong vòng 24h qua. Đà sụt giảm của Bitcoin và mức giao dịch hiện tại được cho phản ánh tác động sâu của những nhân vật nổi tiếng có tiếng nói ảnh hưởng đối với thị trường tài chính toàn cầu. Đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và CEO Tesla Elon Musk, tỷ phú Bill Gates. Các nhân vật này đã có những tuyên bố bất lợi cho tương lai Bitcoin.
Trong đó, bà Janet Yellen – tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã phê bình mức tiêu thụ năng lượng và tiện ích giao dịch của Bitcoin trong một sự kiện về “triển vọng phục hồi sau đại dịch ở nước Mỹ” của New York Times.
Trong nhận xét của mình, bà Yellen cho rằng tiền tệ kỹ thuật số có thể dẫn đến thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn, nhưng nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, bao gồm bảo vệ người tiêu dùng và rửa tiền. Đồng thời bày tỏ sự không tin tưởng Bitcoin được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch. Thậm chí còn là một cách cực kỳ kém hiệu quả để thực hiện các giao dịch và lượng năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch đó rất đáng kinh ngạc.
Về chủ đề tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương hay CBDC, bà Yellen cũng đặt ra nhiều câu hỏi, bao gồm tác động đến chính sách tiền tệ và cách Fed sẽ tương tác với người dùng bán lẻ. Đồng thời nêu quan điểm, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể tham gia cùng các Ngân hàng Trung ương khác theo xu hướng phát triển tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).
Mặc dù Mỹ đã bắt đầu áp dụng ý tưởng này trong vài năm qua nhưng vẫn chưa quyết đoán. Ngược lại, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể và đang tích cực thử nghiệm phiên bản của riêng mình với nhiều phiên bản khác nhau.
“Điều gì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng? Liệu nó có gây ra sự chuyển dịch lớn tiền gửi ra khỏi ngân hàng và vào Fed? Fed sẽ giao dịch với khách hàng bán lẻ hay cố gắng làm điều này ở cấp độ bán buôn? Có lo ngại về sự ổn định tài chính không? Chúng ta sẽ quản lý các vấn đề rửa tiền và tài chính bất hợp pháp như thế nào? Có rất nhiều điều cần xem xét ở đây và nó rất đáng để xem xét”, bà Yellen nhấn mạnh vấn đề với các câu hỏi.
Nhậm chức Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ từ ngày 25/1, đến nay, nhận xét của tân bộ trưởng vẫn giống với lập trường trước đây về tiền điện tử. Năm 2018, tại Diễn đàn Fintech ở Montreal, bà Yellen cũng từng chia sẻ : “Tôi không phải là người hâm mộ của Bitcoin, đó không phải là một hình thức tiền tệ hiệu quả hoặc các nguồn giá trị ổn định”. Sự nổi lên của ngành công nghiệp tiền điện tử đã làm tăng rủi ro về các lỗ hổng bảo mật do tội phạm có xu hướng sử dụng chúng cho các hành động bất hợp pháp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết tiền tệ kỹ thuật số có thể dẫn đến thanh toán nhanh hơn, rẻ hơn, nhưng Bitcoin là một tài sản có tính đầu cơ cao và kém hiệu quả
Bên cạnh Janet Yellen, các quan chức trên toàn cầu thậm chí đã kêu gọi quy định giám sát Bitcoin, bao gồm Chủ tịch ECB Christine Lagarde, người cũng nói rằng tiền điện tử là một “tài sản có tính đầu cơ cao”.
Theo bà Yellen, công việc quan trọng đối với một Bộ trưởng Tài chính là đảm bảo đất nước tuân theo một quy trình tài khóa hợp lý. Cần chi tiêu những gì cần thiết để đưa nền kinh tế nhanh chóng trở lại đúng hướng, điều đó cũng có chi phí tài chính. Mặc dù mức nợ của Hoa Kỳ cao hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do lãi suất thấp hơn, tỷ trọng chi trả lãi vay trong GDP ngày nay gần như tương đương, nhưng không gian tài chính rộng mở hơn do môi trường lãi suất và cần cân nhắc để tận dụng hiệu quả.
Bên cạnh kế hoạch viện trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đang được Quốc hội thông qua, Nhà Trắng đang nâng cao triển vọng về một gói chi tiêu lớn khác tập trung vào cơ sở hạ tầng. Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng nó vẫn còn mong manh và không đồng đều.