“Bớt” mối lo nợ công
Lần đầu tiên kể từ năm 2015, nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh với mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Kết quả tích cực này cũng là lí do để Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực và giữ nguyên xếp hạng BB.
Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, nợ công tính đến 31/12/2018 của Việt Nam ở mức 58,4% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra, nợ Chính phủ theo báo cáo ở mức 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%; nợ nước ngoài quốc gia/GDP ở mức 46%.
Những con số này cũng thấp hơn kịch bản đã được Bộ Tài chính đưa ra hồi cuối năm 2018. Thời điểm đó, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 được dự kiến ở mức 61,4% GDP, nợ Chính phủ ở mức 52,1% GDP. Nếu so với một vài năm gần đây, tỷ lệ nợ công Việt Nam cũng ở mức thấp. Trong hai năm 2015 và 2017, nợ công cùng ở ngưỡng 61,3% GDP, trong khi năm 2016 là 63,7% GDP.
Mới đây, Fitch cũng đánh giá cao việc thực thi cam kết giảm nợ của Việt Nam. Nợ công của Việt Nam giảm xuống mức 58% GDP ở thời điểm cuối năm 2018 sau khi đứng ở mức gần 65% GDP vào thời điểm cuối năm 2016. Fitch cho rằng tỷ lệ nợ chính phủ của Việt Nam sẽ giảm xuống mức còn 46% GDP vào năm 2020. Do vậy, tổ chức này nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực và giữ nguyên xếp hạng BB.
Lý giải kết quả ấn tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Cụ thể, quy mô GDP đạt hơn 5,5 triệu tỷ đồng (cao hơn 5.300 tỷ đồng so với kế hoạch).
Ngoài ra, việc điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan trong đó thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP.
Trong khi đó, Fitch đánh giá cao thành công của hoạt động điều hành nền kinh tế, điều này phản ánh ở việc thặng dư tài khoản vãng lai tăng, nợ chính phủ giảm, tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định...
Nhìn lại quá trình quản lý nợ công của Việt Nam thời gian qua, có thể thấy, sau khủng hoảng kinh tế những năm 2007-2008, trong khoảng 10 năm qua, đa số các nền tài chính các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đều tăng nợ, tăng bội chi 2,2% - 5,5%, thời gian gần đây giảm xuống 3,5%. Cùng với tăng bội chi, để giải quyết khủng hoảng, nợ công toàn thế giới tăng nhanh. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật khi bội chi liên tục tăng, dẫn đến nợ công trong vòng 10 năm tăng từ 32% năm 2005 lên 63,8% năm 2015 và đang trở thành thách thức rất lớn.
Tuy nhiên, do sớm nhận biết được những thách thức của mình nên Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân sách và nợ công để đảm bảo nền ngân sách phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, có thể nói, kết quả tích cực quản lý nợ công đã mang lại những kết quả hết sức “mát lành” khi lần đầu tiên kể từ năm 2015, nợ công ở mức thấp nhất với 58,4% GDP.
Tuy nhiên, dù Việt Nam đã chuyển một bước quan trọng về quản lý cơ cấu lại nợ công và tăng kỳ hạn của danh mục nợ trái phiếu chính phủ, giảm lãi suất nhưng quản lý nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn là thách thức đối với Việt Nam trong 10 năm tới. Nếu so với các thành viên Mạng lưới Quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA) có mức nợ công bình quân 48% thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện đang khá cao ở mức 58%.
Do vậy, dù hiện nay đã phần nào “bớt đi nỗi lo nợ công”, song Việt Nam vẫn cần phải quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý nợ công đồng bộ như thời gian vừa qua đồng thời tiếp tục thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân sách để đảm bảo nguồn lực cho phát triển đất nước và xử lý bài toán nợ công.