Công khai nợ công và giải pháp trong xử lý nợ công
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV cử tri Tỉnh Long An đề nghị Bộ Tài chính công khai nợ công và có giải pháp trong xử lý nợ công.
Tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Tỉnh Long An, Bộ Tài chính cho biết: Việc công khai thông tin về nợ công trước năm 2018 được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009. Hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 về việc Báo cáo thông tin về nợ công và Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công.
Theo đó, thông tin về nợ công được công khai bao gồm nợ Chính phủ, trong đó nợ nước ngoài theo từng bên cho vay; công cụ nợ của Chính phủ theo từng hình thức huy động; nợ của chính quyền địa phương bao gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay từ ngân quỹ nhà nước, các khoản vay khác.
Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Tài chính đã triển khai thu thập thông tin, báo cáo và công khai cung cấp thông tin về nợ công thông qua việc xuất bản Bản tin nợ công và đồng thời đăng tải Bản tin nợ công trên trang điện tử của Bộ Tài chính (Bản tin nợ công gần nhất là Bản tin nợ công số 7 được phát hành vào tháng 11/2018).
Bên cạnh đó, các thông tin về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu Chính quyền địa phương tại thị trường trong nước được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về chi tiết khối lượng, lãi suất và kỳ hạn phát hành, đồng thời trái phiếu phát hành được đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung trên thị trường trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ngoài ra, để phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các báo cáo chuyên đề về tình hình nợ công hằng năm. Năm 2018, đã trình Chính phủ các báo cáo Quốc hội số 195/BC-CP ngày 17/5/2018 của Chính phủ về tình hình huy động, quản lý sử dụng vốn vay và các chỉ tiêu an toàn nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018 tại kỳ họp thứ 5; số 46/BC-CP ngày 19/10/2018 về tình hình nợ công năm 2018 và dự kiến năm 2019 tại kỳ họp thứ 6; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2017.v.v..
Định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thực hiện báo cáo về kế hoạch vay trả nợ Chính phủ, các chỉ tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công hoặc theo yêu cầu đột xuất của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Việc công khai thông tin về nợ công theo quy định hiện hành đã tiếp cận dần với thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam về cung cấp và phổ biến số liệu chung với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên như IMF,WB và ASEAN.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xử lý nợ công, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội tại Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 – 2020, Luật Quản lý nợ công năm 2017, tập trung vào các giải pháp chủ yếu như sau:
Tiếp tục tái cơ cấu nợ công, đồng thời thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu, tăng cường huy động nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu vay của Chính phủ nhằm giảm rủi ro tỷ giá, có tính đến khả năng huy động nguồn vốn ODA sẽ giảm dần và kết thúc trong thời gian tới; phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Xây dựng tiêu chí về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay nợ công gắn với nguyên tắc về trách nhiệm hoàn trả nợ, tiết kiệm, hiệu quả.
Có chế tài xác định rõ mục đích, chủ trương cho các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn vay nợ công; từng bước giảm dần tỷ trọng vay nợ công, chỉ tập trung đầu tư vào các dự án lớn về kết cấu hạ tầng; loại bỏ các dự án đầu tư sử dụng vốn vay nợ công không còn phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công, giảm dần sự tham gia từ ngân sách nhà nước (đặc biệt là các khoản vay của Chính phủ) vào các dự án, xã hội hóa các nguồn lực ngoài nhà nước; phấn đấu giảm mạnh chỉ số ICOR của khu vực Nhà nước.
Kiên quyết không thực hiện chuyển đổi cơ chế từ cho vay lại sang ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp đối với các dự án đầu tư, sử dụng vốn vay kém hiệu quả; đồng thời chuyển dần tư cơ chế cấp phát sang cơ chế cho vay lại, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng vốn vay và hiệu quả sử dụng vốn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư bằng nguồn vốn vay; tăng cường nhận thức nợ công; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.