Brexit ảnh hưởng đến trung tâm tài chính London nghiêm trọng hơn dự kiến

Bùi Hiền

Hơn 400 công ty tài chính ở Anh đã chuyển hoạt động, cả người lẫn tài sản với tổng giá trị khoảng hơn 1 nghìn tỷ bảng Anh tới các trung tâm tài chính ở Liên minh châu Âu sau khi Brexit diễn ra. Những tác động lớn của Brexit đối với thị trường tài chính của London nói riêng và đối với cả nước Anh nói chung dự kiến sẽ còn kéo dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo dự báo, Brexit khiến Anh mất đi nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) trên thị trường. Vì vậy, ngành Tài chính Anh phải  chấp nhận những thiệt hại từ Brexit và tập trung vào việc điều chỉnh lại khuôn khổ thị trường ở Anh để phù hợp hơn với nền tài chính độc đáo của mình.

New Financial - tổ chức nghiên cứu và tư vấn các vấn đề kinh tế - thị trường của Anh đã công bố kết quả nghiên cứu về những ảnh hưởng của Brexit. 

Theo nghiên cứu này, kể từ khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố thỏa thuận thương mại mới với EU hôm 24/12/2020, khoảng 7.400 việc làm đã chuyển từ Anh sang hoặc được bổ sung tại các trung tâm tài chính mới của Anh ở EU. Trên thực tế, việc di chuyển địa điểm làm việc của một bộ phận nhân viên ngành Tài chính nước Anh đã bị trì hoãn do các lệnh hạn chế đi lại vì dịch Covid-19.

Theo tính toán, tổng số dịch vụ chuyển địa điểm làm việc cao hơn dự đoán 440 dịch vụ và cao hơn nhiều so với con số 269 dịch vụ trong cuộc khảo sát năm 2019 của New Financial. Thậm chí, New Financial cho rằng con số thực tế lên đến hơn 500.

Trong khi đó, các ngân hàng đã hoặc đang chuyển hơn 900 tỷ bảng Anh (1,2 nghìn tỷ USD) tài sản từ Anh sang EU. Con số này tương đương 10% tổng giá trị tài sản hệ thống ngân hàng trên toàn nước Anh.

Nhiều công ty bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản… cũng đang trong quá trình dịch chuyển với dòng chảy tài sản ước tính hơn 100 tỷ bảng Anh (138 tỷ USD). Theo nghiên cứu của New Financial dự kiến, ​​khoảng 300 đến 500 công ty tài chính nhỏ hơn của EU có thể mở văn phòng thường trú tại Anh, ít hơn nhiều so với dự báo hiện hành là khoảng 1.000.

Sau Brexit, Dublin – thủ đô nước Ireland được cho là địa điểm hưởng lợi lớn nhất khi trở thành đích đến của 135 dịch vụ chuyển địa điểm làm việc, tiếp sau đó là Pari với 102 dịch vụ, Luxembourg 95, Frankfurt 63 và Amsterdam 48. Kể từ tháng 1, Amsterdam vượt qua London trở thành trung tâm giao dịch cổ phiếu lớn nhất châu Âu.  Đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của Brexit trong lĩnh vực tài chính.

Trong tương lai gần, London sẽ vẫn là trung tâm tài chính thống trị ở châu Âu, những ảnh hưởng của thành phố này sẽ bị giảm sút, có nguy cơ làm giảm thặng dư thương mại hàng năm 26 tỷ bảng Anh trong các dịch vụ tài chính với EU.