Bức tranh cổ phiếu ngân hàng những tháng cuối năm 2021
Được coi là “cổ phiếu vua”, nhóm ngân hàng từng dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam thiết lập nhiều ngưỡng đỉnh mới. Đến nay, cổ phiếu ngân hàng vẫn dẫn dắt thị trường, nhưng lại có xu hướng "dẫn đi xuống".
“Cú phanh gấp” của cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng hiện có tỷ trọng lớn nhất trong quy mô vốn hoá thị trường, chiếm tới 29%. Do đó, nhóm này có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng đã tăng rất mạnh so với mặt bằng chung toàn thị trường. Vào thời điểm đó, hầu như ai mua cổ phiếu ngân hàng cũng đều có lãi theo từng ngày, dù là F0 chưa từng có “kinh nghiệm trận mạc”. Sau gần 2 tháng, nhiều nhà đầu tư bắt đầu than trời vì trót “đu đỉnh”cổ phiếu ngân hàng, giờ đang gắng sức “gồng lỗ”.
Từ tháng 7 đến nay, cổ phiếu nhóm ngân hàng liên tiếp có những phiên giảm sâu, kéo theo chỉ số chung sụt giảm, bất chấp nhiều cổ phiếu những nhóm ngành khác như: chứng khoán, bất động sản, logistic, cao su... liên tục tăng.
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng., thực ra sóng của cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và kéo dài cho đến đầu tháng 7/2021. "Sóng" như vậy được giới chuyên môn nhận định là rất dài. Muốn chờ "đợt sóng" mới không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thời gian mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như việc kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, diễn biến giảm giá của cổ phiếu ngân hàng cũng chịu sự tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại diễn biến dịch phức tạp sẽ làm gia tăng nợ xấu. Hơn nữa, việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các nhà băng trong năm nay.
Mặc dù những quý đầu năm 2021 hay cả năm 2020, ngành Ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khủng, nhưng kết quả đó chưa thực sự phản ánh đúng hiệu quả hoạt động. Trên thực tế, những con số lợi nhuận này phần nào được giữ lại nhờ thực hiện giãn nợ, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Rất có thể nợ xấu sẽ gia tăng vào những tháng cuối năm 2021 do có độ trễ đặc thù của lĩnh vực ngân hàng. Khi đó, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
“Đánh giá chung cho các ngân hàng, thì những ngân hàng chịu tác động ảnh hưởng lợi nhuận bởi COVID-19 và việc giảm lãi suất cho vay thấp như TCB, MBB, VCB, ACB... Còn các nhà băng chịu ảnh hưởng giảm lợi nhuận nhiều nhất, khả năng cao sẽ là BID, CTG, VIB, TPB, STB, ABB, OCB, HDB”, ông Phan Khánh Dũng nhận định.
Duy trì mức giá hiện tại
Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, đà giảm của các cổ phiếu ngân hàng gần đây không phải là dấu hiệu suy yếu đầu tiên. Thực tế, thị trường đã báo hiệu nhịp điều chỉnh từ giai đoạn cuối tháng 6, trước khi thị trường lập đỉnh 1.420 điểm (ngày 2/7), sau đó giảm mạnh. Đến giữa tháng 7, thị trường có hồi lại, thậm chí tăng 11 phiên liên tiếp, nhưng vẫn chưa thể vượt qua vùng cản 1.380 điểm và mức tăng vẫn yếu đi kèm nhiều nhịp điều chỉnh ngắn.
Nhìn chung, mức tăng trưởng của nửa cuối năm 2021 đối với ngành Ngân hàng đã được dự báo thấp hơn so với đầu năm, không còn quá “rực rỡ” trong nền xám của toàn cảnh kinh tế nữa. Mức định giá hiện tại dù không phải là quá cao nhưng cũng không còn quá hấp dẫn (bao gồm cả định giá trượt lẫn dự phòng cho 2021).
Do đó, nhóm ngân hàng luôn chịu áp lực chốt lời lớn tại các vùng đỉnh. Nhiều nhà đầu tư chỉ chờ cơ hội cổ phiếu ngân hàng hồi là thực hiện lệnh bán, bảo toàn vốn.
Chia sẻ góc nhìn về giá cổ phiếu ngân hàng trong cuối năm, ông Khánh cho rằng những đợt sóng như thời điểm trước khó có thể lặp lại. Dù rằng, diễn biến của thị trường những ngày qua khá tương đồng với phiên giảm hồi tháng 1/2021. Giá cổ phiếu ngân hàng có thể đi ngang ở vùng giá hiện tại đã được coi là tích cực cho cả ngành Ngân hàng và thị trường nói chung.
Tuy nhiên, ông Khánh nhấn mạnh, không loại trừ một số ngân hàng có “game” như thực hiện các hợp đồng M&A (sáp nhập và mua bán) tác động lên giá cổ phiếu. Nhưng thường chỉ một vài ngân hàng nhỏ mới thực hiện “game” kiểu vậy, nên sẽ không ảnh hưởng lớn tới toàn ngành.
Trong bối cảnh hiện nay, để bảo toàn vốn và tối ưu hoá lợi nhuận, ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời thận trọng và cơ cấu lại danh mục, có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu vốn hoá trung bình với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.