Bức tranh doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2019: Nhiều tin tốt, nhưng năng lực cạnh tranh vẫn là thách thức
Bức tranh doanh nghiệp Việt Nam vừa có thêm tín hiệu tích cực về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề phải tiếp tục được bàn tới.
Tin tốt về doanh nghiệp thành lập mới
Thêm một lần nữa, kỷ lục thành lập doanh nghiệp mới trong 9 tháng đầu năm được lập. Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có 102.274 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.290.816 tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34,0% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2018.
“Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực cải thiện liên tục về môi trường kinh doanh của Chính phủ”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Điều ông Tuấn muốn nhấn mạnh trong động thái này là có sự gia tăng tương đối mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng. “Tất nhiên, doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng, với 90.722 doanh nghiệp. Nhưng số doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng tăng là điều đáng mừng. 9 tháng đầu năm 2019, có 1.433 doanh nghiệp quy mô này được thành lập, tăng 22,4% so với cùng kỳ”, ông Tuấn phân tích.
Cùng với nguồn vốn được đăng ký tăng thêm, tăng vốn từ các doanh nghiệp đang hoạt động, vốn từ các doanh nghiệp đăng ký mới, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2019 là 3.021.252 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018). Cũng trong thời gian này, trên 27.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Thách thức từ năng lực cạnh tranh
Bức tranh doanh nghiệp 9 tháng đầu năm nay ghi nhận một số điểm đáng chú ý. Lần đầu tiên kể từ năm 2013, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là những doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 1 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, có thể sẽ quay lại sau thời hạn trên.
Cũng trong 9 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên doanh nghiệp gia nhập/tái gia nhập thị trường là 47,4%, đã giảm so với tỷ lệ 51,2% của cùng kỳ năm 2018.
Phải nói rõ, việc quyết định duy trì, mở rộng hay tạm dừng các kế hoạch kinh doanh là quyền của người kinh doanh, nhưng không phụ thuộc hoàn toàn vào người kinh doanh.
“Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn kêu ca về điều kiện kinh doanh, về thủ tục hành chính... Không thể phủ nhận đây là lý do khiến không ít doanh nghiệp gặp khó. Đây là thực trạng mà các cơ quan quản lý nhà nước đang phải nhìn thẳng vào, để có những thay đổi, cải thiện thực chất. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về việc này”, ông Tuấn nói khi phân tích những con số trên.
Nhưng, ở góc độ doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cũng phải được nhắc tới.
Trong số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2018, có 49,5% là doanh nghiệp mới đăng ký thành lập trong các năm 2017 - 2018. Phần lớn trong số này có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực quản trị, năng suất lao động, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ... Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là sự phát triển nhanh về khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp gánh thêm sức ép rất lớn từ sự sàng lọc của thị trường.
“Việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Cơ hội luôn dành cho những doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh mới, có chất lượng, các doanh nghiệp có quản trị tốt, tuân thủ pháp luật, chứ không dành cho các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở của chính sách, sự chưa rõ ràng của môi trường kinh doanh… Cơ chế, chính sách cũng đang chuyển dịch theo hướng thúc đẩy doanh nghiệp như vậy. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp luôn phải đối mặt để có chiến lược hoạt động phù hợp”, ông Tuấn chia sẻ quan điểm.
Đáng nói là, sự cạnh tranh không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang rất hào hứng với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Một cuộc khảo sát ngắn của Công ty PwC Việt Nam với các lãnh đạo doanh nghiệp tham gia Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) năm 2019 vừa diễn ra tuần trước cho kết quả, phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI tại Việt Nam kỳ vọng rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại những lợi ích đáng kể, như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa.
Nhưng, ở góc nhìn này, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 4 nhóm thách thức lớn để có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh mới là công nghệ, nguồn nhân lực, xung đột thương mại và những quy định chặt chẽ về môi trường, tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn...
Ngay cả với doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ, PWC cũng phát hiện rằng, việc đầu tư vào nguồn nhân lực sử dụng công nghệ đó chưa được quan tâm. “Nếu đầu tư nhiều tiền vào công nghệ mà không có người sử dụng được thì khoản đầu tư đó không hiệu quả, không làm thay đổi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhấn mạnh.
Đây không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp Việt Nam. Theo khảo sát do PwC mới thực hiện với hơn 22.000 lao động tại 11 quốc gia, 61% nhìn nhận tích cực về các tác động của công nghệ lên công việc hàng ngày của họ. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 trong số những người được hỏi cho biết được doanh nghiệp hỗ trợ tiếp cận kỹ năng mới.
Đặc biệt, theo Tổng giám đốc PWC, quản trị là một mắt xích yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm một cách sâu sắc hơn trong thời gian tới. “Yêu cầu quản trị công ty theo thông lệ tốt đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà thế giới đang thay đổi nhanh chóng và các mối đe dọa an ninh mạng và bất ổn chính sách đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp có khả năng đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên có quyền lợi liên quan sẽ là những doanh nghiệp gặt hái được ưu thế về tính cạnh tranh và uy tín, qua đó tiếp cận được nhiều cơ hội kinh doanh hơn”, bà Quỳnh Vân chia sẻ.