Bức tranh thu hút, giải ngân vốn FDI thêm khởi sắc

Hữu Hòe

Theo Bộ Tài chính, cả vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lẫn vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Liên quan đến diễn biến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

“Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế” - Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.

Ông Lâm phân tích thêm, trong 3 tháng đầu năm nay, có 401 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,16 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu vốn đầu tư đăng ký trong quý I/2025
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu vốn đầu tư đăng ký trong quý I/2025

Trong 3 tháng đầu năm 2025, theo Bộ Tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,79 tỷ USD, chiếm gần 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD. 

Theo Bộ Tài chính, lũy kế đến ngày 31/3/2025, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, chiếm hơn 27,6% tổng vốn đầu tư, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,9 tỷ USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ. Sau đó lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để hút các dự án lớn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, để tiếp tục đạt được những kết quả bền vững hơn cả về thu hút lẫn giải ngân vốn FDI, nhiều giải pháp trọng tâm đã được Bộ Tài chính đề ra để tập trung triển khai trong tháng 4 này cũng như quý II/2025.

Theo đó, Bộ yêu cầu Cục Đầu tư nước ngoài tập trung rà soát, triển khai thực hiện Nghị định số 182/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục nhân rộng cơ chế Tổ công tác làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược và triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; nghiên cứu xây dựng Cổng một cửa đầu tư quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.

Việc triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút FDI trong thời gian tới, bởi nhiều quy định thông thoáng đã định hình. Theo Nghị định số 182/2024/NĐ-CP, nhiệm vụ của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác, theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ; chi hỗ trợ doanh nghiệp theo đối tượng, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này. Quỹ được thuê các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân khác để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Quỹ. Đáng chú ý, Quỹ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu của Quỹ…/.