"Bức tranh" toàn cảnh doanh nghiệp địa ốc nửa đầu năm
Trong nửa đầu năm, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đạt được những kết quả khả quan để làm nền tảng, chỗ dựa cho nửa cuối năm được dự báo đầy khó khăn bởi ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4.
Từ tháng 5 đến nay, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 diễn biến vô cùng phức tạp với quy mô chưa từng có đã giáng một đòn mạnh vào thị trường bất động sản vốn đang dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm trước.
Dịch bệnh mới bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm bị phong tỏa, hoạt động thị trường bị đình trệ, hàng loạt công ty bất động sản vừa và nhỏ lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí là phá sản.
Không chỉ vậy, những ảnh hưởng và dư âm của lần sóng này cũng được dự báo kéo dài đến cuối năm 2021, thậm chí sang năm 2022. Áp lực mà dịch bệnh gây ra sẽ tiếp tục đè nặng lên vai các doanh nghiệp địa ốc, khiến nhịp độ sản xuất, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Trong nửa đầu năm, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đạt được những kết quả khả quan để làm nền tảng, chỗ dựa cho nửa cuối năm được dự báo đầy khó khăn.
Qua mùa BCTC, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố lợi nhuận quý II và nửa đầu năm 2021 tăng mạnh, đạt hàng trăm tỷ đồng; trong đó phải kể đến những "sếu đầu đàn" như CTCP Vinhomes (VHM), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland - NVL), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), CTCP Tập đoàn Hà Đô hay CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR).
Theo đó, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinhomes đạt hơn 41.711 tỷ đồng, tăng 82% so với mức thực hiện trong cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế 15.780 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 43%.
Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 35.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Vinhomes đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 45% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Trong quý II/2021, Vinhomes đã lấy lại đà tăng trưởng sau cú sụt giảm quý I khi ghi nhận doanh thu thuần 28.725 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.303 tỷ đồng với mức tăng lần lượt 75% và 202% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thị phần bất động sản dẫn đầu các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ, nửa đầu 2021, Novaland tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2 với mức lợi nhuận sau thuế 2.014 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, Novaland đề ra kế hoạch doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng trưởng 447% so với thực hiện năm 2020; kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ đồng, tăng khoảng 5%. Theo đó, sau nửa đầu năm 2021, công ty đã hoàn thành 25,6% kế hoạch doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính riêng quý II/2021, Novaland đã báo cáo doanh thu thuần 2.543 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.312,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 258% và 50% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn hưởng lợi việc bàn giao các dự án trọng điểm như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet.
Trong nhóm các doanh nghiệp địa ốc thắng lớn nửa đầu 2021, đặc biệt không thể bỏ qua sự 'bứt phá' đầy mạnh mẽ của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần 6.516 tỷ đồng, tăng 503% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế Đất Xanh là 1.189 tỷ đồng, trong khi con số của nửa đầu năm 2020 là âm 374 tỷ. Như vậy, sau 1/2 chặng đường, công ty đã hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, quý II/2021, Đất Xanh đạt doanh thu thuần 3.563 tỷ đồng, tăng gấp 7,4 lần so với cùng kỳ. Tính theo quý, đây là con số cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết vào năm 2009.
Bên cạnh đó, đại gia bất động sản này trong kỳ cũng lãi sau thuế gần 479 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 468 tỷ đồng. Trong quý này, Đất Xanh tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn từ các dự án mà công ty đã triển khai bán hàng thành công từ năm 2020 cũng như việc hoạt động môi giới, dịch vụ vẫn phát triển tốt so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, nhiều tên tuổi lớn trong ngành vẫn gặp nhiều khó khăn như Tổng Công ty LICOGI - CTCP (LIC), CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO) hay CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (XMC).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Licogi là 961,3 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, lỗ sau thuế 28 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2021, lỗ lũy kế của Licogi đã lên đến 598 tỷ đồng, tương đương 2/3 vốn điều lệ.
Năm 2021, Licogi đặt kế hoạch doanh thu 2.430 tỷ đồng, tăng 6,9% so với thực hiện năm 2020 và lợi nhuận trước thuế 42,6 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 39,5% kế hoạch doanh thu cả năm, và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận.
Cùng chung cảnh khó khăn, CTCP Tập đoàn C.E.O cũng chỉ đạt 282 tỷ đồng doanh thu thuần, hơn 164 tỷ đồng lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, quý II/2021, doanh thu thuần của CEO đạt 140 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng công ty vẫn lỗ ròng hơn 126 tỷ đồng trong quý II/2021 (-13% so với cùng kỳ 2020).
Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu 1.600 tỷ đồng, lãi sau thuế 80 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp này đều còn cách xa các kế hoạch kinh doanh. Giải trình nguyên nhân thua lỗ, CEO cho biết nguyên nhân thua lỗ là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Về phần mình, nửa đầu 2021, doanh thu thuần và lỗ sau thuế của Xuân Mai Corp lần lượt là 598 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Tính riêng quý II/2021, công ty chỉ ghi nhận doanh thu thuần 360 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ ròng hơn 6 tỷ đồng, tăng 46,6% so với cùng kỳ 2020.
Năm 2021, Xuân Mai Corp đặt kế hoạch doanh thu 2.671 tỷ đồng, lãi sau thuế 135 tỷ đồng. Do đó, sau 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 22,3% kế hoạch doanh thu trong khi vẫn còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.