Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, nhiều hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh.
Dự án nhà ở có xu hướng tăng so với quý I
Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II-2021 của Bộ Xây dựng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước tạo tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong quý II-2021. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, cả nước có 69 dự án phát triển nhà ở thương mại với 27.462 căn được cấp phép (số lượng dự án bằng 73% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020); 1.119 dự án với 352.575 căn đang triển khai xây dựng (số lượng dự án bằng 81% so với quý trước và bằng khoảng 79% so với cùng kỳ năm 2020); 34 dự án với 2.801 căn hoàn thành (số lượng dự án bằng khoảng 83% so với quý trước và chỉ bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2020). Số lượng nhà ở thương mại đủ điều kiện bán trong quý II-2021 tăng, cụ thể: Tổng số có 92 dự án với 29.557 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (số lượng dự án bằng khoảng 105% so với quý trước và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020), phân bổ theo vùng miền (tại miền Bắc có 82 dự án với 12.629 căn hộ, miền Trung có 21 dự án với 6.509 căn hộ, miền Nam có 23 dự án với 10.419 căn hộ. Riêng tại Hà Nội có 6 dự án với 3.386 căn hộ, tại TP Hồ Chí Minh có 7 dự án với 3.002 căn hộ).
Đối với dự án nhà ở xã hội, có 3 dự án với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa; có 2 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 5 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong quý II-2021, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định dự án nhà ở có xu hướng tăng so với quý I, cụ thể, nhà ở là 2.645 căn (tăng 604 căn); căn hộ du lịch là 1.720 căn (tăng 1.470 căn); biệt thự du lịch tăng 925 căn.
Theo Sở Xây dựng ở nhiều địa phương thì lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý trước), tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý trước). Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi
Đối với giá nhà ở, thị trường cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.
Giá căn hộ bình dân có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm như các quận, huyện như tại Hà Nội.
Căn hộ chung cư trung cấp có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2 là sản phẩm chủ đạo trên thị trường chiếm phần lớn nguồn cung mở bán mới trong quý II. Căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng tập trung tại các thành phố lớn như tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao.
Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những nơi có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Chính vì vậy lượng giao dịch đất nền có xu hướng giảm so với quý trước.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định, được ghi nhận một số kết quả, chỉ tiêu. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản. Đồng thời, thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”.