Chính sách tài khóa đi đúng hướng, linh hoạt và kịp thời
Đó là khẳng định củaỦy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015và triển khai dự toán NSNN năm 2016gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Trong đó, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ và cho rằng, thu NSNN năm 2015 đạt kết quả tích cực là nhờ sự quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng, truy thu thuế.
Thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán
Đánh giá khái quát về tình hình thực hiện NSNN giai đoạn 2011-2015, Ủy ban TCNS cho rằng, trong 5 năm qua, với nhiều yếu tố không thuận từ trong nước và ngoài nước, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có nhiều giải pháp phù hợp để từng bước vượt qua các khó khăn, thử thách; trong đó chính sách tài khóa đã được điều chỉnh cơ bản khá đúng hướng, linh hoạt, kịp thời, phối hợp đồng bộ hơn với chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
"Kết quả thực tế cho thấy thu NSNN hàng năm đạt và vượt dự toán, mặc dù thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng quy mô thu vẫn tăng gấp 2 lần giai đoạn trước, cơ cấu thu có biến đổi tích cực, thu nội địa tăng khá cao; nhờ đó, các nhiệm vụ chi NSNN cơ bản được đảm bảo. Việc quản lý NSNN có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, KBNN đạt nhiều kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương tài chính từng bước được siết chặt; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; việc đầu tư phân tán, dàn trải bắt đầu được khắc phục, bảo đảm hiệu quả hơn", báo cáo của Ủy ban này cho hay.
Theo Ủy ban TCNS, với ý nghĩa đặc biệt của năm ngân sách 2015, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơnnhững tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân có tính kéo dài trong giai đoạn vừa qua để rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạch định, điều hành chính sách tài khóa trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn, kế hoạch nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Nỗ lực của Chính phủ trong điều hành dự toán NSNN 2015
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách 2015, theo Ủy ban TCNS, năm 2015, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với cácyếu tố khó lường; thương mại toàn cầu sụt giảm; sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu và các nền kinh tế lớn chưa lấy lại được đà tăng trưởng đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới. Ở trong nước, sản xuất kinh doanh tuy phục hồi rõ nét hơn nhưng thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, giá dầu giảm mạnh dẫn đến giảm thu ngân sách trung ương (NSTW) khá lớn, gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước, nhưng đồng thời cũng là yếu tố thuận lợi cho việc giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất và kích thích tiêu dùng.
Để tận dụng các cơ hội, vượt qua khó khăn, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận và đề ra các giải pháp trong những tháng cuối năm 2015 để thực hiện thành công dự toán NSNN. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán NSNN trong 3 tháng cuối năm 2015 vì theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, kết quả thu, chi NSNN đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó NSTW hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng. Kết quả đánh giá bổ sung cho thấy, tổng thu NSNN năm 2015 vượt dự toán 85,77 nghìn tỷ đồng (Dự toán thu NSNN Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng; báo cáo Quốc hội ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng; Kết quả thực hiện đạt 996,87 nghìn tỷ đồng). Như vậy, số thu đã tăng 69,37nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Thu NSTW chỉ hụt dự toán khoảng 2,26 nghìn tỷ đồng và có 5 địa phương hụt thu cân đối NSĐP khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ và cho rằng, thu NSNN đạt kết quả tích cực như trên là nhờ sự phát triển sản xuất - kinh doanh tăng cao hơn trong những tháng cuối năm, khai thác tăng thêm gần 2 triệu tấn dầu và sự quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng, truy thu thuế. Việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN, đặc biệt là giảm hụt thu NSTW đã cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi của NSTW, không phải sử dụng đến 10 nghìn tỷ đồng bán cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp đã được Quốc hội cho phép theo Nghị quyết số 99/2015/QH13.
Theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, về cơ bản, việc bố trí, cân đối NSNN đã đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 21,5% so với dự toán đầu năm và tăng 33,66 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, chủ yếu do tăng giải ngân 30 nghìn tỷ đồng bổ sung kế hoạch vốn ODA...
Qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ đã chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo…; phân bổ vốn đầu tư XDCB tập trung, chống dàn trải, lãng phí và bố trí giảm khá lớn nợ xây dựng cơ bản; công tác kiểm soát chi qua hệ thống KBNN được tăng cường, phát hiện và tạm dừng thanh toán nhiều khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.
Về việc xử lý hụt thu của NSTW và NSĐP năm 2015, về cơ bản, Ủy ban TCNS nhất trí với các giải pháp Chính phủ đề ra để đảm bảo cân đối ngân sách của 5 địa phương bị hụt thu và việc sử dụng số kinh phí tiết kiệm dự toán chi của NSTW khoảng 600 tỷ đồng và khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng của dự phòng NSTW để bù hụt thu 2,26 nghìn tỷ đồng của NSTW. Riêng việc thưởng vượt thu cho các địa phương hoàn thành dự toán thu phân chia giữa NSTW và NSĐP, đa số ý kiến đề nghị Chính phủ cần xem xét lại, vì xét về tổng thể thì NSTW năm 2015 bị hụt thu, trong khi đó NSĐP lại tăng thu rất cao. Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật NSNN hiện hành, đó là quy định thưởng vượt thu cho các địa phương. Về vấn đề này, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần rà soát và sớm trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.