Agribank Ninh Thuận trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn theo Nghị quyết 14
Agribank Ninh Thuận là tổ chức tín dụng (TCTD) trực tiếp hỗ trợ cho DN vay vốn theo Nghị quyết 14/NQ-CP (NQ 14). Đến nay, Agribank Ninh Thuận đã giải ngân với doanh số 51,4 tỷ đồng, thu nợ 35,4 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30/4/2016 là 16 tỷ đồng, trong đó 100% dư nợ ngắn hạn...
DN và nông dân cùng hưởng lợi
Ngoài việc doanh nghiệp (DN) được hưởng lợi, chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi còn mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân khi tham gia chương trình, góp phần quan trọng để gắn kết DN với nhà nông.
Công ty cổ phần (CTCP) Giống cây trồng Nha Hố (Nha Hố Seed), một trong hai DN ở Ninh Thuận được phê duyệt thực hiện Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, từ năm 2014, Nha Hố Seed đã được UBND tỉnh Ninh Thuận và NHNN chi nhánh Ninh Thuận chọn làm DN cho vay thí điểm mô hình liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp. Agribank Ninh Thuận là TCTD trực tiếp hỗ trợ cho DN vay vốn theo NQ 14…
TS. Vũ Xuân Long, Uỷ viên HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Giống cây trồng Nha Hố cho biết, việc DN được vay vốn theo NQ 14 với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm từ Agribank Ninh Thuận, đã tạo nhiều thuận lợi cho DN.
Tương tự, ông Bay Thanh Nếu cùng trú huyện Ninh Sơn vui vẻ cho biết, với mức giá 28 nghìn đồng/kg đậu xanh do chính DN cung cấp giống như CTCP Giống cây trồng Nha Hố thu mua hiện nay, tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín trừ chi phí, người trồng thu khoảng 35 triệu đồng/ha...
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Nhìn chung, việc thực hiện chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi trên địa bàn Ninh Thuận đã được ngành Ngân hàng tích cực triển khai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản trên địa bàn…
Hỗ trợ cho DN tham gia vay vốn theo chuỗi, ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho biết, những khó khăn vướng mắc trong quá trình cấp hạn mức tín dụng giữa Agribank với DN, như thủ tục về bảo đảm tiền vay, giải ngân... đã được hai bên phối hợp giải quyết. Đối với ngân hàng, việc cho vay theo mô hình chuỗi liên kết cũng thuận lợi cho hoạt động thanh toán, thu nợ, giám sát dòng tiền...
Bên cạnh thuận lợi việc triển khai cho vay theo chuỗi ở Ninh Thuận cũng như một số địa phương khác vẫn gặp những khó khăn. Về phía các DN, tài sản đảm bảo khoản vay đang là những cản trở khi tiếp cận vốn ưu đãi theo NQ 14. Bởi, hầu hết các DN sản xuất nông nghiệp có tài sản thế chấp là đất đai sản xuất, giá trị thế chấp thấp, mặc dù ngân hàng không đòi hỏi giá trị thế chấp quá lớn để hình thành vốn vay, điều này gây khó cho cả DN lẫn ngân hàng.
Về phía nông dân, vẫn còn những trường hợp bà con tự ý “bẻ kèo”, mặc dù đã ký kết hợp đồng với DN. Đơn cử, tại CTCP Giống cây trồng Nha Hố, đã xuất hiện một số trường hợp hộ nông dân đơn phương phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm cho các mối khác, hoặc không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật mà DN đã quy định... Những điều này đã ảnh hưởng đến sợi dây liên kết cũng như uy tín, thương hiệu của DN…
Tuy nhiên, với những lợi ích từ việc tham gia vay vốn theo chuỗi đã mang lại, TS.Vũ Xuân Long đã khẳng định, từ nguồn vốn cho vay theo chuỗi, thời gian tới CTCP Giống cây trồng Nha Hố sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng liên kết sản xuất lúa giống, ngô giống… với các HTX, nông dân trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, góp phần để DN phát triển cũng như nâng cao đời sống của bà con nông dân.