“Bùng nổ” các giao dịch qua smartphone tại Việt Nam

Theo Thanh Thanh/congthuong.vn

Theo báo cáo về thị trường ứng dụng di động trong nửa đầu năm 2018 của Appota, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh của người Việt lên tới 72%.

82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà từ thương hiệu. Nguồn: Internet
82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà từ thương hiệu. Nguồn: Internet

Có đến 82% người tiêu dùng Việt được khảo sát cho biết sẵn sàng cho đi thông tin cá nhân để đổi lại quà miễn phí. Các nhãn hàng có thể tiếp cận người dùng dễ dàng với quảng cáo, quà tặng hay vật phẩm qua ứng dụng di động. Cụ thể, có 76% người tiêu dùng Việt cho rằng bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, có tới 82% số người được hỏi lại sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà từ thương hiệu, đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) thu thập dữ liệu và hiểu sâu hơn về người tiêu dùng. Vì thế thị trường quảng cáo, nếu năm 2017, chi phí cho quảng cáo trên di động là 78 triệu USD thì năm 2020 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tăng lên 220 triệu USD.

Báo cáo cũng cho thấy, nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất cho thị trường điện thoại thông minh với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn, tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh lên tới 72%. Điện thoại di động đứng đầu danh sách những điều thân thiết tại Việt Nam, bởi phần lớn người Việt kiểm tra điện thoại của mình ngay khi tỉnh dậy và tiếp tục sử dụng với thời gian trung bình khoảng 2 tiếng một ngày.

Báo cáo của Appota khẳng định, thời điểm này, những con số về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn. Thế hệ vàng từ 18- 35 tuổi tạo nên 82% thị phần thương mại điện tử Việt Nam. Ðây là phân khúc quan trọng nhất cho các nhà bán lẻ/cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Ngoài ra, người Việt xem video clip và nghe nhạc trên điện thoại chiếm 69%. Sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại lên đến 68%, khẳng định thị trường di động đầy màu mỡ, là mảnh đất rộng lớn cho các DN tiếp tục khai thác.

“Giờ vàng” của điện thoại thông minh là từ 7 đến 9 giờ tối. Ðây là thời gian trong và sau bữa ăn của người Việt khi mà đó là quãng thời gian họ trò chuyện với gia đình, bạn bè và lên mạng xã hội. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, 72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh. 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại.

Mặc dù tỷ lệ truy cập từ điện thoại di động của Việt Nam rất thấp, nhưng thương mại điện tử trên điện thoại di động lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong một năm. Thanh toán điện tử ước tính đạt 6,4 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 22%/năm.

Bên cạnh đó, với tính chất là một xã hội vẫn quen dùng tiền mặt, 46% người Việt được hỏi trả lời rằng, họ không có tài khoản ngân hàng, luôn lo lắng về việc lộ thông tin bảo mật thẻ thanh toán. Vì vậy, 88% giao dịch thương mại điện tử vẫn là thanh toán tiền mặt khi giao hàng.

Appota cũng cho rằng, công nghệ tài chính trên thiết bị di động còn khá non trẻ, điều đó dẫn đến thách thức trong việc tăng người tiêu dùng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng thẻ thanh toán và lấy được lòng tin người tiêu dùng với dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Appota hiện là nhà cung cấp nền tảng internet di động tại Việt Nam với hơn 45 triệu người dùng di động với bốn mảng chính bao gồm phát hành game di động (Gamota), thanh toán di động (AppotaPay), quảng cáo trên thiết bị di động (Adsota), dịch vụ lưu trữ máy chủ (Kdata).