Bước lùi của Hy Lạp
Sáng ngày 9/5 (giờ Việt Nam), Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm đáp ứng điều kiện để được giải ngân khoản vay trị giá 5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế. Đây là nỗ lực mới nhất từ phía Hy Lạp nhằm tránh để nổ ra một cuộc khủng hoảng nợ mới. Tuy nhiên, những hệ lụy của quyết định này đối với đời sống chính trị, xã hội của Hy Lạp mới là điều đáng lo ngại.
Tiếp tục thắt lưng buộc bụng
Toàn bộ 153 nghị sĩ liên minh cầm quyền trong tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ. Tiến trình bỏ phiếu được thực hiện chưa đầy 1 giờ. Những biện pháp cải cách mới gây tranh cãi bao gồm điều khoản cắt giảm mức lương hưu nhằm giúp Hy Lạp tiết kiệm 1,8 tỷ euro. Ngoài ra, việc tăng thuế cũng giúp ngân sách nhà nước Hy Lạp thu về 1,8 tỷ euro. Các khoản cắt giảm này nhằm tiết kiệm thêm 3,5 tỷ euro (tương đương 2% GDP) theo yêu cầu của các chủ nợ để quá trình đàm phán giãn nợ sẽ được khởi động theo đúng lời hứa từ các nước eurozone.
Hiện, những bất đồng về các biện pháp cắt giảm lương hưu và xử lý nợ xấu vẫn là những cản trở chính trong các cuộc đàm phán giữa các bên. Đã 6 tháng kể từ khi Hy Lạp khởi động các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận với các chủ nợ về một chương trình tiết kiệm để tiếp tục được giải ngân khoản vay mới trong khuôn khổ “kế hoạch cứu trợ thứ 3”, đến nay, những cố gắng trên vẫn chưa đạt kết quả.
Sự kiên quyết của EU
Vài tuần nay, nhiều quan chức cao cấp của một số nước thành viên đã liên tục khẳng định họ sẽ không để lặp lại kịch bản năm 2015 - thời điểm Liên minh châu Âu (EU) phải hứng chịu liên tiếp nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời trong đó có khủng hoảng nợ Hy Lạp. Các nước đều muốn giải quyết “vấn đề Hy Lạp” trước tháng 6 tới để không bị ảnh hưởng bởi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại EU, song nhiều nước vẫn giữ thái độ kiên quyết.
Sau khi ký kết Bản ghi nhớ (tức hợp đồng ký kết với các chủ nợ để vay thêm tiền để khép lại cuộc khủng hoảng lần trước, đổi lại việc Hy Lạp phải tiến hành cải tổ) vào thời điểm mà Hy Lạp ở bờ vực phá sản, Athens đã phải chấp nhận thực hiện một danh sách gồm nhiều biện pháp cần thiết nhằm cắt giảm ngân sách tương đương 3% GDP: Cải tổ hệ thống hưu trí, thuế thu nhập, giải quyết nợ xấu của các ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên, các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp phải tiết kiệm thêm khoảng 2% GDP (tương đương 3,5 tỷ euro) - khoản này không được đề cập trong Bản ghi nhớ, đồng thời là một trong những điểm then chốt đang gây bất đồng trong các cuộc thảo luận đang diễn ra. Chương trình cải tổ này sẽ chỉ phải thực hiện nếu tình hình tài chính của Hy Lạp không đáp ứng được các mục tiêu mà chủ nợ yêu cầu (thặng dư ngân sách sơ cấp 3,5% vào năm 2018). Nhưng Athens nhấn mạnh rằng luật pháp Hy Lạp không cho phép “làm luật dựa trên giả thuyết”, đồng thời đề xuất đưa vào thực hiện cơ chế cắt giảm ngân sách tự động trong trường hợp nước này có nguy cơ rơi vào thâm hụt. Ngày 27.4 vừa qua, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Olga Gerovassili đã cáo buộc IMF đang “đặt ra những yêu cầu có thể phá vỡ những nỗ lực của chính phủ Hy Lạp và các thiết chế EU”.
Gói tiết kiệm ngân sách được coi là một bảo đảm đưa ra để trấn an nhóm các chủ nợ gồm một bên là ECB, Cơ chế bình ổn tài chính và EC còn bên kia là IMF - thiết chế từ giữa năm 2015 đã do dự không muốn tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp. IMF không tin rằng chỉ cần gói cải tổ cắt giảm tương đương 3% GDP, Athens sẽ đạt mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% vào năm 2018. Chính vì vậy, các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” tăng cường của Hy Lạp, được coi là bước lùi quan trọng để thúc đẩy tiến trình đàm phán với các chủ nợ.
Nguy cơ từ đường phố
Trên thực tế, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã rất vất vả để có thể thuyết phục Quốc hội nhất trí với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới bởi những phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ đảng cánh tả Syriza cầm quyền. Phong trào 53, một nhánh chính trị trong đảng do Bộ trưởng Tài chính Euclide Tsakalotos đứng đầu trước đó đã công khai phản đối các biện pháp không nằm trong Bản ghi nhớ. Nếu không có 14 phiếu ủng hộ của các nghị sĩ thuộc nhóm đảng này, chính phủ của ông Tsipras sẽ mất thế đa số trong Quốc hội.
Ngay trước khi Quốc hội Hy Lạp tiến hành bỏ phiếu, khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình tại Thủ đô Athens và thành phố lớn thứ hai tại Hy Lạp Thessaloniki để phản đối gói biện pháp khắc khổ mới. Đụng độ đã xảy ra khi người biểu tình quá khích tấn công cảnh sát. Một nhóm người biểu tình đã tìm cách xông vào khu vực cấm trước tòa nhà Quốc hội tại Athens khiến lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi nhóm biểu tình.
Từ ngày 6/5, người dân trên khắp Hy Lạp đã tiến hành cuộc đình công kéo dài 48 giờ nhằm thể hiện sự tức giận đối với những cải cách trên, làm ảnh hưởng đến giao thông công cộng và khiến các trụ sở chính quyền phải đóng cửa. Cuộc đình công do các nghiệp đoàn thuộc khu vực công và tư nhân lớn nhất Hy Lạp kêu gọi. Nghiệp đoàn lao động khu vực tư nhân lớn nhất Hy Lạp GSEE cho biết những cải cách của chính phủ đang bóp nghẹt cuộc sống của người lao động và những người đã về hưu.
Do đó, nếu động thái nhượng bộ lần này của Hy Lạp không giúp tháo gỡ nút thắt trong tiến trình đàm phán nợ, một nguy cơ bất ổn chính trị sẽ khó tránh khỏi. Vòng luẩn quẩn mới lại bắt đầu với cải tổ chính phủ, bầu cử sớm, thậm chí có thể là trưng cầu dân ý.