Bước ngoặt để nhìn lại và phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Phan Quốc Tuấn – CEO Viện Phát triển Nguồn nhân lực Bảo hiểm cho rằng, hiện đang là thời điểm có tính chất bước ngoặt để nhìn lại và phát triển tốt hơn nữa thị trường bảo hiểm nhân thọ. Trước mắt, để người dân không bị nhiễu thông tin, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược truyền thông đúng.
Phóng viên: Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng đang đối mặt với khá nhiều khó khăn. Nhìn ở góc độ tích cực, theo ông, đâu là cơ hội?
Ông Phan Quốc Tuấn: Khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực tài chính nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng thường gây ra những tổn thất khó đong đếm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những thông tin tiêu cực rồi sẽ lắng xuống khi người dân được tuyên truyền hiểu đúng về giá trị thực của bảo hiểm, vốn rất ý nghĩa và nhân văn. Do đó, cơ hội phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn vẹn nguyên.
Như vậy, nhìn ở góc độ tích cực thì đây cũng là bước ngoặt nên có của thị trường. Tôi nghĩ, sau sự cố này thì thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ lại lấy được niềm tin từ người tiêu dùng trong vài năm tới.
Nói về cơ hội gì, lâu nay chúng ta cũng đã bàn nhiều rồi. Tôi chỉ muốn nhắc lại là tiềm năng thị trường còn rất lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Tỷ lệ người dân có hợp đồng BHNT ở Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực rất nhiều.
Trong khi đó, Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, trung bình cứ hai người đi làm nuôi một người phụ thuộc. Vì thế, khả năng có khoản tiền tiết kiệm để dành cho BHNT là rất lớn.
Đối với kênh phân phối bảo hiểm lên kết với ngân hàng (bancassurance), đây cũng là một sự phát trển tất yếu, bởi nó mang lại lợi ích rất nhiều cho tất cả các bên, cả khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Ở Việt Nam, hoạt động bancassurance đã hình thành và phát triển mạnh trong những năm qua và đang dần trở thành một kênh phân phối bảo hiểm chính, tạo nguồn thu nhập ổn định ngoài lãi cho các ngân hàng. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì tổng doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua kênh Bancassurance năm 2021 chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Tỷ lệ này nếu so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á như Singapore (51%), Indonesia (57%) và Trung Quốc (68%) thì vẫn còn khá thấp, cho thấy dư địa phát triển của thị trường bancassurance tại Việt Nam còn nhiều.
Hay theo số liệu năm 2010, tại diễn đàn các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu, có đến trên 80% các ngân hàng tại khu vực này có kinh doanh Bancassurance. Điều này cho thấy, ngày nay, mô hình liên kết này càng trở nên quan trọng hơn đối với việc phát triển kinh doanh của cả ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, sự phát triển của mô hình này tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu.
Phóng viên: Với tốc độ tăng trưởng của kênh Bancassurance khá cao, có ý kiến lo ngại sự phát triển nóng sẽ đi kèm rủi ro. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phan Quốc Tuấn: Không riêng gì kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, bất cứ hoạt động nào phát triển nóng đều có thể gặp phải rủi ro. Đó là những rủi ro đến từ việc các quy định nhà nước chưa theo kịp thực tiễn; thiếu hụt nhân sự có chuyên môn; rủi ro đến từ áp lực chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu mà dịch vụ chưa tương xứng…
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa qua có cuộc khủng hoảng niềm tin vào kênh bancassurance là do các yếu tố này. Qua sự việc này tất cả các bên có cơ hội nhìn lại chính mình để thay đổi mạnh mẽ.
Cơ quan quản lý nhà nước thì phải ban hành những quy định dành riêng cho kênh bancassurance. Các doanh nghiệp bảo hiểm rút ra được bài học từ sự việc này và thay đổi cho phù hợp. Người tiêu dùng thì có cơ hội tìm hiểu về bảo hiểm nhiều hơn, hiểu rõ bảo hiểm hơn.
Phóng viên: Vậy, cần có những giải pháp truyền thông gì để giảm thiểu tối đa xung đột giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng?
Ông Phan Quốc Tuấn: Người dân thường không quan tâm thị trường tăng trưởng như thế nào. Họ quan tâm nếu mua bảo hiểm thì họ được lợi ích gì, được phục vụ ra sao? Xa hơn nữa thì họ quan tâm ngành Bảo hiểm đóng góp gì cho Đất nước, tức là họ tham gia bảo hiểm thì họ gián tiếp đóng góp cho kinh tế - xã hội như thế nào? Do đó, để người dân không bị ảnh hưởng bởi những thông tin không tốt về Ngành thì từ cơ quan quản lý ngành đến các doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược truyền thông đúng nội dung người dân cần.
Phương thức truyền thông có nhiều, hãy chọn những phương thức gần gũi người dân nhất như thường xuyên nói đến số tiền mà ngành Bảo hiểm thương mại đã chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc chi trả chi phí y tế cho dân; nói về vai trò ngành Bảo hiểm đối với nền kinh tế - xã hội, nói đến những công trình do ngành Bảo hiểm đầu tư, đóng góp xây dựng đất nước.
Đặc biệt, cần xây dựng hình ảnh người tư vấn bảo hiểm gần gũi người dân, luôn thực hiện cam kết với khách, đóng góp cho xã hội thông qua các công tác thiện nguyện… Điều này cũng giúp cho người dân có thiện cảm hơn là lúc nào cũng thấy người tư vấn trong vai người thành công, mặc vest… vốn chưa thực sự phù hợp với đa số người dân Việt.
Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào việc tuyển dụng và đào tạo tư vấn bảo hiểm hiện nay?
Ông Phan Quốc Tuấn: Bên cạnh những chương trình đào tạo có chất lượng dành cho các đại lý gắn bó thì nhìn chung chương trình đào tạo dành cho đại lý tại các công ty bảo hiểm chưa chú ý đến kiến thức chuyên ngành, bản chất sản phẩm bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang quá tập trung vào đào tạo kỹ năng bán hàng. Việc này cũng xuất phát từ thực tiễn là có quan điểm tuyển dụng đại lý bảo hiểm nhân thọ với mục đích đầu tiên là bán cho chính họ và gia đình họ. Do có quan điểm như vậy nên việc tuyển dụng tư vấn bảo hiểm không hề phân biệt chuyên môn, từ người nội trợ hay người công nhân đều có thể được mời làm Tư vấn.
Trong khi đó, bảo hiểm là một ngành nghề có điều kiện, người làm trong ngành không những phải am hiểu về sản phẩm bảo hiểm mà còn phải hiểu về tài chính cá nhân mới làm việc chuẩn mực được.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phải nhận thấy trách nhiệm của mình khi đã để người dân mất niềm tin như thời gian qua để từ đó thay đổi các thức đào tạo nguồn nhân lực và đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp thì mới có thể phát triển sau giai đoạn này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!