Không có chuyện “bẫy” khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm

Hoàng Minh

Không một công ty bảo hiểm nào có thể “gài bẫy” khách hàng thông qua hợp đồng bảo hiểm. Theo theo luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty Luật TNHH PST, những mâu thuẫn chỉ phát sinh khi nhân viên tư vấn làm trái quy định, đồng thời người mua bảo hiểm thiếu kiến thức về lĩnh vực mình tham gia.

Nhiều hợp đồng bảo hiểm dày và dài, kèm nhiều câu từ, thuật ngữ khó hiểu khiến khách hàng không muốn đọc.
Nhiều hợp đồng bảo hiểm dày và dài, kèm nhiều câu từ, thuật ngữ khó hiểu khiến khách hàng không muốn đọc.

Khó hiểu do đặc thù riêng

Ngay cả khi đọc kỹ bảo hiểm, người mua bảo hiểm, thậm chí có nhân viên môi giới cũng cảm thấy “rối não” với những hợp đồng bảo hiểm dày vài chục đến hàng trăm trang, cùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu.

Theo luật sư Dương Thị Ngọc - Giám đốc Công ty Luật TNHH PST, không có chuyện công ty bảo hiểm cố tình đưa ra một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài trăm trang với nhiều thuật ngữ khó hiểu để “bẫy” khách hàng. Bởi, toàn bộ quy định, điều khoản, nội dung loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đều được ghi rõ và được cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính phê duyệt. Hợp đồng bảo hiểm không hình thành từ việc đàm phán trực tiếp của hai bên như các hợp đồng mua bán khác.

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng dịch vụ tài chính dài hạn và mang tính đặc thù. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều điều khoản chi tiết với các thuật ngữ chuyên ngành.

Bên cạnh đó, việc giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân gắn liền với những rủi ro, tức là những biến cố không chắc chắn nên các công ty bảo hiểm khi chắp bút hợp đồng phải đưa ra nhiều tình huống giả định (Nếu…; Trong trường hợp…; Ngoại trừ…). Chính điều này làm cho câu văn sử dụng trong hợp đồng trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, phía bên bán bảo hiểm thường miêu tả các trường hợp giả định ở mức độ khái quát cao làm người đọc phải cố hình dung ra các trường hợp đó.

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm cả các sản phẩm ngắn hạn và dài hạn.

Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ra đời nhằm phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm, bao gồm các sản phẩm đơn gian, chỉ cung cấp quyền lợi bảo vệ thuần (bảo hiểm sinh kỳ, tử kỳ, niên kim, trọn đời, hỗn hợp…), sản phẩm bổ trợ (tai nạn, bệnh, từ bỏ thu phí..) và phức tạp như các sản phẩm kết hợp, sản phẩm có khả năng chuyển đổi, cả bảo vệ và đầu tư (Bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí..).

Trong khi đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này rất ít. Công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật bảo hiểm cho người dân chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến có sự mâu thuẫn giữa tính phức tạp, chuyên biệt của sản phẩm bảo hiểm với mức độ hiểu biết về bảo hiểm chưa cao của đại đa số khách hàng.

“Vì chưa có kiến thức về bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm, người mua bảo hiểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với hợp đồng bảo hiểm nói chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng. Khó hiểu là điều dễ hiểu”, luật sư Ngọc nói.

Để hợp đồng bảo hiểm dễ hiểu hơn

Tính khó hiểu, khó tiếp cận của hợp đồng bảo hiểm là do những tính chất đặc thù chuyên ngành. Nếu chỉ một phía công ty bảo hiểm không thể làm cho hợp đồng bảo hiểm dễ hiểu hơn.

Do đó, để giúp khách hàng nhận biết các thông tin cơ bản nhất của hợp đồng bảo hiểm, theo luật sư Dương Thị Ngọc, phía Nhà nước, cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng. Việc thông tin và giáo dục về bảo hiểm cũng như pháp luật bảo hiểm cần được tăng cường và phổ rộng hơn.

Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, công tác đào tạo chuyên môn cho nhân viên cần được chú trọng và quản lý sát sao hơn. Việc chắp bút hợp đồng bảo hiểm phải cố gắng phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt, tránh việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt một cách qua loa và khó hiểu nhưng đảm bảo được nội dung quan trọng của hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường trang bị cho nhân viên, hệ thống đại lý bảo hiểm trình độ và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ tốt và tận tâm khách hàng tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm cũng phải chủ động tiếp cận và tự nâng cao kiến thức về lĩnh vực bảo hiểm, tài chính. Việc bỏ tiền tham gia bảo hiểm phải dựa trên cơ sở hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm, quyền lợi khi tham gia hay những trường hợp loại trừ không được bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm nên cẩn trọng với những cam kết lợi tức từ phía nhân viên môi giới hay đại lý, bởi trên thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thể cam kết về kết quả đầu tư.

Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm triển khai trên thị trường đều có quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm là 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm. Trong thời gian trên, người mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm và được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Đây là tập quán quốc tế về bảo hiểm nhân thọ. Hiện nay, nội dung này đã được Luật hóa tại Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như liên kết đầu tư, hưu trí, nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm, pháp luật đã có những quy định để quản lý chặt chẽ việc triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm này. Tiêu biểu như Thông tư số 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, Thông tư số 135/2012/TT-BTC về hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện.

Bên cạnh đó, các kiến thức cơ bản về bảo hiểm và pháp luật bảo hiểm sẽ giúp người mua bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất cùng với chi phí thấp nhất.