Bước tiến mới trong triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước
Sau khi triển khai thí điểm tại 5 đơn vị Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hiện nay đã “phủ sóng” khắp cả nước, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị sử dụng ngân sách không mất thời gian đưa hồ sơ, chứng từ đến kho bạc; mức độ an toàn, bảo mật cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ…
Nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách
Đặt mục tiêu đến hết năm 2019 phải hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh và KBNN cấp huyện, thời gian qua, KBNN đã chủ động nâng cấp, hoàn thiện chương trình DVCTT. Theo đó, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phân công, bố trí cán bộ nghiệp vụ kiểm soát chi, kế toán nhà nước phối hợp chặt chẽ với KBNN để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các đơn vị sử dụng DVCTT. KBNN nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị khi triển khai DVCTT, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, KBNN còn tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, thông báo, hướng dẫn liên quan trên Cổng thông tin điện tử, trang chủ DVCTT, để việc triển khai DVCTT được kịp thời và hiệu quả.
Số liệu thống kê của KBNN cho thấy, tính đến ngày 31/10/2019, tổng số đơn vị đã đăng ký sử dụng DVCTT theo kế hoạch năm 2019 là 21.737 đơn vị, đạt 73% kế hoạch, nâng tổng số đơn vị tham gia DVCTT lên hơn 48.200 đơn vị.
Sau khi triển khai thí điểm tại 5 đơn vị gồm: KBNN Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, hệ thống DVCTT hiện nay đã “phủ sóng” khắp cả nước, mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Thông qua DVCTT, các đơn vị sử dụng ngân sách giảm thiểu tối đa thời gian đưa hồ sơ, chứng từ đến kho bạc; độ an toàn, bảo mật cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ cũng được nâng lên.
Hiện nay, tại nhiều KBNN tỉnh, thành phố, hệ thống DVCTT đã hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia sử dụng. Chẳng hạn như: Tại KBNN Sơn La, tínhđến ngày 31/10/2019, trên địa bàn Tỉnh có 251/260 đơn vị sử dụng ngân sách kết nối thành công với DVCTT của Kho bạc, hoàn thành 97% kế hoạch, trong đó, có tới 195 đơn vị thực hiện chuyển tiền qua DVCTT.
Hay tại KBNN Thái Bình cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả Đề án Giao dịch điện tử trên hệ thống DVCTT của KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn. Tính đến 31/10/2019, toàn Tỉnh đã có 766 đơn vị đăng ký thành công DVCTT. Trong đó, có 641 đơn vị tham gia giao dịch qua DVCTT với 23.989 chứng từ giao dịch thành công. KBNN Thái Bình phấn đấu, đến hết tháng 12/2019 sẽ có 100% đơn vị đăng ký thành công DVCTT tại KBNN tỉnh và 70% đơn vị tại KBNN huyện…
Theo đánh giá của KBNN các tỉnh, thành phố, về cơ bản, hệ thống DVCTT hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia sử dụng dịch vụ. Đây là những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN hướng tới việc sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến KBNN.
“Phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị sử dụng ngân sách
KBNN đặt mục tiêu, đến hết năm 2019, KBNN các địa phương phải hoàn thành “phủ sóng” DVCTT tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để đạt được mục tiêu này, KBNN tập trung tối ưu hóa phần mềm để sử dụng và tận dụng tài nguyên máy chủ tốt hơn, giảm độ quá tải cho hệ thống; xây dựng phương án lưu trữ điện tử hồ sơ chứng từ trên dịch vụ công và yêu cầu tra cứu hồ sơ, chứng từ theo từng đơn vị giao dịch. Cùng với đó, KBNN bổ sung năng lực hạ tầng DVCTT đang vận hành: bổ sung 2 máy chủ (bên cạnh 3 máy chủ ứng dụng đang vận hành); đẩy nhanh tiến độ hạ tầng để quý I/2020 có hạ tầng cho triển khai theo kế hoạch 2020.
Để tăng cường công tác kiểm soát chi cuối năm, Kho bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nâng cấp các chương trình ứng dụng tổng hợp báo cáo nhằm đáp ứng được kịp thời và đảm bảo tính chính xác cao của số liệu báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Các đơn vị trong hệ thống KBNN cũng tập trung triển khai diện rộng khối chức năng xử lý nghiệp vụ tổng kế toán để thực hiện tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước các cấp; xây dựng và triển khai phiên bản DVCTT cho phân luồng giữa phòng kiểm soát chi và phòng kế toán tại KBNN cấp tỉnh theo phương án thống nhất đầu mối kiểm soát chi; nâng cấp chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi ngân sách nhà nước và huy động vốn hàng ngày…
Đặc biệt, để tăng cường công tác kiểm soát chi trong dịp cao điểm cuối năm, KBNN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai nâng cấp các chương trình ứng dụng tổng hợp báo cáo nhằm đáp ứng và đảm bảo tính chính xác cao của số liệu báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của KBNN nhằm kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa KBNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, đáp ứng yêu cầu về quản lý vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả.
Cùng với các giải pháp trên, thời gian tới, KBNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua DVCTT. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm, lâu dài của KBNN nhằm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian kiểm soát chi, tạo thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư đối với công tác kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN để tiến tới kiểm soát chi điện tử.