Bước tiến sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền

Oanh Yến

Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật, công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng, cũng như góp phần làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế phát triển, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự an toàn, ổn định của xã hội.

Luật Phòng chống rửa tiền có giá trị pháp lý cao nhất về phòng, chống rửa tiền

Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Luật Phòng chống rửa tiền ra đời là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất về phòng, chống rửa tiền; quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền; đáp ứng thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong quá trình hội nhập.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền, công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng, cũng như góp phần làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế phát triển, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và sự an toàn, ổn định của xã hội.

Kết quả 5 năm triển khai Luật Phòng chống rửa tiền

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục Trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Luật Phòng chống rửa tiền được ban hành đã góp phần quan trọng tạo lập hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi Luật Phòng chống rửa tiền được ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cũng xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các đối tượng báo cáo thuộc quyền quản lý tuân thủ các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền.

Trên cơ sở Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền như kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị chuyên trách là Cục phòng, chống rửa tiền; thiết lập đầu mối các Bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Cùng với đó, Luật Phòng chống rửa tiền đã thúc đẩy việc thực hiện báo cáo về phòng, chống rửa tiền như quy định đối tượng báo cáo phải báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử vượt ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống rửa tiền , chống tài trợ khủng bố nói riêng. Từ kết quả phân tích thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ và các báo cáo khác, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển giao nhiều thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và hỗ trợ tích cực các dơn vị có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, qua đó giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Luật Phòng chống rửa tiền còn là căn cứ, cơ sở cho việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng thuận lợi và sâu rộng; đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tăng uy tín và sức hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài. Trên thực tế, từ khi Luật Phòng chống rửa tiền được ban hành đến nay, công tác trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài cũng đạt được những kết quả tích cực.

Những vấn đề đặt ra

Với việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần được chỉnh sửa, bổ sung.

Một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo hoặc một số quy định của Luật Phòng chống rửa tiền còn chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai; một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa có quy định; một số quy định của Luật Phòng chống rửa tiền chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai Luật Phòng chống rửa tiền cho từng đối tượng có hoạt động đặc thù trong lĩnh vực: Bất động sản, luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, các tổ chức phi lợi nhuận...; điều này làm cho đối tượng báo cáo tại các lĩnh vực này gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống rửa tiền và dẫn đến hiện tượng việc triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền chưa đồng đều, đầy đủ ở các lĩnh vực, ngành nghề...