Buôn lậu khoáng sản: Nhận diện hành vi và biện pháp ngăn chặn

PV.

Thời gian qua, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, buôn bán tiêu thụ than và khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp, làm thất thu ngân sách nhà nước. Những phương thức, thủ đoạn này đã và đang được Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) nhận diện, vào cuộc xử lý…

Hải quan Quảng Ninh kiểm tra tàu vận chuyển quặng, khoáng sản
Hải quan Quảng Ninh kiểm tra tàu vận chuyển quặng, khoáng sản

Buôn lậu than tinh vi và phức tạp

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389: Tình hình buôn lậu than và khoáng sản trên tuyến đường biển thời gian qua diễn biến phức tạp và độ nóng, chỉ đứng vị trí thứ hai sau buôn lậu xăng dầu. Hoạt động này diễn ra với các hình thức này càng tinh vi và phức tạp.

Ông Đỗ Ngọc Toàn, Phó cục trưởng Cục phòng chống buôn lậu và tội phạm, Bộ đội biên phòng nhận diện: Than được các đối tượng gom mua trôi nổi từ trên bờ, không có nguồn gốc. Hàng hóa này được các đối tượng hợp thức hóa bằng những hóa đơn đã sử dụng rồi sửa ngày, tháng, sau đó ghi nguồn gốc cũng như giá trị của lô hàng. Đây là thủ đoạn không hề mới, nhưng rất tinh vi nên rất khó khăn cho công tác phòng chống buôn lậu.

Tính tiêng trên tuyến biển năm 2016 và quý I/2017, tình hình mua  bán vận chuyển than không có hóa đơn chứng từ diễn ra vùng biển Đông Bắc và một số tỉnh phía tây nam như: Tiền Giang, Trà Vinh có xu hướng tăng cả về số lượng cũng như là tang vật…

“Trước thực trạng trên, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng liên quan, đặc biệt là với lực lượng hải quan tổ chức nhiều đợt cao điểm phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ, với số lượng thân vận chuyển lậu lên đến 27.500 tấn…” - Ông Đỗ Ngọc Toàn cho biết.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định: Các đầu nậu thường ít xuất đầu lộ diện mà gián tiếp thông qua thuyền trưởng, người áp tải hàng hoặc công ty trung gian để thực hiện hành vi buôn lậu.

Theo phân tích của Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển: Thời gian qua tại vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh đã phát hiện rất nhiều tờ hóa đơn lậu được các đối tượng vận chuyển khoáng sản ghi khống. Để bắt giữ cũng như chứng minh sai phạm của các đối tượng, cách duy nhất mà lực lượng chức năng đang tiến hành là kiểm tra chéo các tờ hóa đơn.

“Nghĩa là gọi điện hoặc cử cán bộ đến địa chỉ được ghi trên hóa đơn để kiểm tra, hoặc đến các công ty của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để chứng minh nguồn gốc xuất xứ, một cách làm tốn công sức, thủ công, hiệu quả chưa cao…” – Trung tướng Nguyễn Quang Đạm nhấn mạnh.

 Giải pháp ngăn chặn

Trước tình hình buôn lậu than, khoáng sản diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389, chỉ rõ: Thời gian tới cần tập trung lực lượng đánh trúng đối tượng cầm đầu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhận diện thủ đoạn để ngăn chặn kịp thời.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phân tích thêm: Những vi phạm trong năm qua chúng ta phát hiện và xử lý hành chính xử lý hình sự thì thường hầu hết là không xác định được đối tượng cầm đầu, cho nên cuối cùng những người cửu vạn, tham gia làm tay chân thì bị xử lý, có vụ rất lớn nhưng cũng không xử lý được đối tượng cầm đầu, tức là không phát hiện được để mà xử lý vì đây là đối tượng rất tinh vi và nó sử dụng mạng lưới tay chân có tổ chức rất chặt chẽ, vì lợi nhuận cao cho nên nó có rất nhiểu thủ đoạn và sẵn sàng dùng vũ lực tấn công các lực lượng chức năng.

“Chúng ta phải làm thế nào đấy để có giải pháp quyết liệt tuần tra canh gác phối hợp lực lượng tăng cường phát hiện xử lý nhưng mà quan trọng hơn là phải có những giải pháp để trinh sát làm rõ tổ chức đối tượng cầm đầu, phương thức thủ đoạn phục vụ cho công tác đấu tranh hiệu quả” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, biện pháp có thể khắc phục tình trạng này là lực lượng chức năng ở trên bở kiểm soát chặt, không để hóa đơn rơi vào tay các đối tượng buôn lậu trên biển.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có kiến nghị bổ sung quy định truy xuất nguồn gốc khoáng sản để chống việc khai thác trái phép, xuất khẩu khoáng sản lậu vào dự thảo Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản.

Theo đó, truy xuất nguồn gốc khoáng sản hay truy xuất hồ sơ khoáng sản nhằm bảo đảm khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh phải có nguồn gốc hợp pháp. Từ đó, phân biệt khoáng sản được khai thác trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế) được xuất khẩu, vận chuyển, buôn bán hoặc đưa vào chế biến, sản xuất mà không được kiểm soát.