Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp
Giá xăng dầu lậu ngoài biển rẻ hơn 6.000 – 10.000 đồng/lít so với đất liền, giao dịch mua bán lại thuận lợi, vì vậy một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khi bán hết xăng dầu không quay lại đất liền nhận xăng dầu hợp pháp, mà ra các vùng biển giáp ranh để mua vì chi phi thấp, lợi nhuận cao.
Tại buổi họp báo chuyên đề: Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm do Ban Chỉ đạo 389 tổ chức ngày 31/7, ông Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, buôn lậu xăng dầu trên biển đang có dấu hiệu tăng cả về quy mô và số lượng hàng hóa. Đáng chú ý, buôn lậu xăng dầu trên biển có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.
Tịch thu hàng triệu lít xăng dầu lậu
Ông Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, Cảnh sát biển thực hiện tuần tra phát hiện 179 tàu vi phạm, tổng số tiền thu từ vi phạm hành chính lên tới 727.600 nghìn đồng.
Trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đã bắt 37 tàu, 138 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng, tịch thu 6,7 triệu lít dầu DO, 25 nghìn lít dầu FO, hơn 819 nghìn lít xăng A92.
Ngoài ra, cơ quan này đã thu giữ 64 tấn đạm Ure, trên 8.000 tấn than, 1.500 tấn clinker, hơn 68 nghìn bao thuốc lá, 114 chai rượu ngoại…
Ông Nam cho rằng tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển 6 tháng đầu năm gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi, số lượng tàu hoạt động tăng lên, nhất là tàu cá ngư dân, nên nhu cầu sử dụng xăng dầu lớn.
Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch so với trên đất liền 6.000 – 10.000 đồng/ lít. Đồng thời, việc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là xăng dầu trên biển chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân về số lượng và giá cả. Vì vậy, các chủ tàu kinh doanh dịch vụ xăng dầu trên biển đã mua xăng dầu lậu để kinh doanh.
Tại vùng biển Tây Nam, một số chủ tàu người Việt khi bán hết dầu không quay lại đất liền mua dầu hợp pháp mà ra các vùng biển giáp ranh, móc nối với đầu nậu người nước ngoài để mua dầu lậu vì chi phí thấp, lợi nhuận cao.
Trong khi đó, các chủ tàu hoạt động tại miền Bắc và miền Trung đã lợi dụng chế độ pháp lý trên vùng đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, để thực hiện hành vi buôn lậu và gian lận thương mại với mặt hàng xăng dầu.
Ông Nam cho biết: “Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển sử dụng vận đơn quốc tế xoay vòng khi bị kiểm tra, bắt giữ. Hoặc sử dụng các tàu không số hiệu và số hiệu giả để mua bán nhằm gây khó khăn cho quá trình điều tra, suy xét cho nên rất khó xác định các hành vi vi phạm”.
Kiên quyết ngăn chặn
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật cho biết, thời gian qua, buôn lậu xăng dầu trên biển có yếu tố nước ngoài gia tăng và phức tạp.
“Trong năm 2017, số lượng vụ tàu nước ngoài vào vùng biển Việt Nam sang mạn trái phép xăng dầu bị phát hiện lớn nhất từ trước đến thời điểm đó với trị giá hàng hóa bán phát mại lên tới gần 89 tỷ đồng. Sang năm 2018, tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng”, ông Nam cho hay.
Số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát biển cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã bắt giữ 18 vụ/20 tàu, 107 đối tượng, trong đó có 20 đối tượng là người nước ngoài, xử phạt 1.372.200 nghìn đồng, tịch thu gần 7,5 triệu lít dầu các loại, sung công quỹ nhà nước hơn 90 tỷ đồng.
Để phát hiện dấu hiệu vi phạm và bắt quả tang việc sang mạn trái phép không hề dễ dàng khi hoạt động này thường diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cách xa bờ biển Việt Nam.
Chưa kể, khi bắt giữ, các tàu này thường sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, chất lượng xăng dầu ở nước ngoài cũng tương đương với chất lượng xăng dầu của Việt Nam nên việc phân biệt xăng dầu trong nước hay nước ngoài rất khó khăn.
Điển hình, vụ việc lớn nhất từ trước đến nay xảy ra mới đây tại vùng biển đông Bắc đèo Ngang 45 hải lý, một tàu vỏ sắt có số hiệu Trung Quốc và tàu Facific Ocean (quốc tịch Singapore) đang thả neo và sang mạn dầu trái phép cho một tàu không số, với số lượng vận chuyển và giao nhận khoảng 5.136.163 lít dầu DO. Quá trình kiểm tra, hai tàu xuất trình một số giấy tờ có nhiều nội dung mâu thuẫn liên quan đến số hàng trên tàu, nên cơ quan cảnh sát biển đã xử phạt và tịch thu số hàng trên.
Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng hoạt động kinh tế và an ninh quốc gia, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh ngăn chặn.