Cả nước chỉ còn 36 doanh nghiệp đa cấp
Trong văn bản trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, tính tới hết tháng 09/2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.
Hoạt động đa cấp thời gian qua diễn ra như thế nào?
Theo Bộ Công Thương, cuối năm 2015, đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (giấy chứng nhận).
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 27 doanh nghiệp xuống còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 02 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp. Tính tới hết tháng 09/2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015 (trong đó có 01 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động).
Bên cạnh đó, theo số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến hết tháng 06/2017 là 361.592 người, giảm 276.045 người (43%) so với cuối năm 2016.
Tổng doanh thu bán hàng đa cấp 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3.067 tỷ đồng, tương đương 39% doanh thu toàn ngành năm 2016. Trong đó: Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%), và mỹ phẩm (25%); Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%.
Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 986 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu toàn ngành (doanh thu chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền đạt 33 tỷ đồng, chiếm khoảng 3.3% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế.
Cũng theo số liệu của 35 doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt 386 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm 39%, thuế xuất - nhập khẩu 31%, thuế thu nhập cá nhân của người lao động 10%, thuế thu nhập cá nhân nộp hộ cho người tham gia bán hàng đa cấp 9%, thuế thu nhập doanh nghiệp 9,5%, các loại thuế khác 1,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số hội nghị, hội thảo, đào tạo mà các doanh nghiệp đã thực hiện là 641 lượt với ước tính 103.521 người tham dự.
Có 11/35 doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ mua lại hàng hóa từ người tham gia với tổng giá trị ước tính khoảng 6 tỷ đồng, trong đó khấu trừ hoa hồng tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác và các chi phí quản lý, lưu kho khoảng 603 triệu.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đẩy mạnh các chương trình khuyến mại hơn so với năm 2016. Tổng giá trị khuyến mại thực hiện trong năm 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt 32 tỷ đồng (tương đương 72% tổng giá trị khuyến mại năm 2016).
Nhìn chung, hoạt động bán hàng đa cấp vẫn chủ yếu tập trung vào hai nhóm mặt hàng chính là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 92% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 72%). Đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật và vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng.
Tuy các giao dịch đều được thực hiện trên nguyên tắc "thuận mua, vừa bán", Nhà nước không thể can thiệp, nhưng đây là yếu tố đáng chú ý, cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết và chủ động tìm hiểu mối quan hệ giữa giá cả và giá trị thật của sản phẩm trước khi mua hàng.
Phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường quản lý nhà nước
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2017, có 3 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không có doanh nghiệp nào được cấp vì không đáp ứng đủ điều kiện.
Bộ Công Thương chủ yếu thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận (cấp xác nhận sửa đổi bổ sung cho 23 hồ sơ, trả lại 4 hồ sơ do hồ sơ không đạt yêu cầu và doanh nghiệp tự rút hồ sơ).
Công tác cấp mới, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận tiếp tục được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi về mặt thủ tục trong các khâu nộp, theo dõi và trả kết quả Hồ sơ. Khâu thẩm định hồ sơ được làm chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BCT.
Cũng trong nửa đầu năm 2017, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 02/CT-BCT và Chỉ thị 30/CT-TTg, Bộ Công Thương đã chủ động trong việc hướng dẫn các cơ quan chức năng xử lý những vấn đề phát sinh từ việc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp.
Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế là doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền lớn nhất (240 triệu đồng); tiếp theo là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu), Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu) và Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu).
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kết thúc việc kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp đối với 02 doanh nghiệp và đang tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm của công ty này.
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2017.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện hoạt động tuyên truyền về kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp cho sinh viên, trong đó tập trung làm rõ các hành vi đa cấp biến tướng, lợi dụng phương thức đa cấp để trục lợi và vi phạm pháp luật.
Thông qua trang thông tin điện tử, Bộ Công Thương đã cung cấp nhiều thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bán hàng đa cấp; các cảnh báo về đa cấp biến tướng, huy động tài chính trái phép núp bóng kinh doanh đa cấp và mô hình kinh doanh hình tháp trái pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các báo điện tử, báo giấy, báo hình để cung cấp đến người dân những thay đổi liên quan đến công tác quản lý và môi trường pháp lý trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, cảnh báo người dân thận trọng trước khi quyết định tham gia bán hàng đa cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử về bán hàng đa cấp, cung cấp đầy đủ thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận, đảm bảo tính cập nhật, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý và cho nhà phân phối trong việc nắm thông tin về doanh nghiệp.
Dữ liệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cập nhật thường xuyên, trong đó, không chỉ cung cấp các số liệu cơ bản, thông tin về Giấy chứng nhận mà còn cung cấp cả các thông tin về phạm vi hoạt động, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, số lượng đào tạo viên của doanh nghiệp, thông tin vi phạm... Thông tin về các doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận, tự chấm dứt hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động được cập nhật thường xuyên.
Trang thông tin điện tử về bán hàng đa cấp còn cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại của các Sở Công Thương để giúp người dân, người tham gia bán hàng đa cấp có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin, giải đáp thắc mắc và giải quyết khiếu nại trong trường hợp quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạm.
Công tác phối hợp và cung cấp hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên trang thông tin điện tử được kiện toàn. Tới nay, các Sở Công Thương đã có thể tải hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp và trao đổi thông tin với Bộ Công Thương và với các Sở Công Thương khác để hướng dẫn, giám sát và quản lý tốt hơn các hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương với các Sở Công Thương (chiều dọc) và với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (chiều ngang) trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được kiện toàn đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Bộ Công Thương đã cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Y tế đối với việc kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu, chuyển đơn thư tố cáo cho các cơ quan công an liên quan đến các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Hiện nay kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam chủ yếu dựa trên mặt hàng thực phẩm chức năng (chiếm khoảng 59% doanh thu toàn ngành năm 2016). Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát quy định quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng, phát hiện các bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã trình lãnh đạo Bộ ban hành công văn đóng góp ý kiến gửi Bộ Y tế nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý đối với sản phẩm thực phẩm chức năng.
Mối liên hệ phối hợp quản lý giữa Bộ Công Thương với các sở Công Thương tiếp tục được duy trì và vận hành hiệu quả. Bộ Công Thương thường xuyên có các hướng dẫn, giải đáp về chuyên môn trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với các sở Công Thương. Các sở Công Thương cũng thường xuyên báo cáo, thông báo kết quả thực hiện các hoạt động quản lý ở địa phương đến Bộ Công Thương.
Khắc phục khó khăn để quản lý hiệu quả hơn nữa
Thời gian qua, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được nhiều đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả các đơn khiếu nại mà Cục Bộ Công Thương nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao. Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.
Hiện tại, số lượng cán bộ được giao thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương là rất hạn chế, trong khi khối lượng công việc rất lớn, bao gồm công tác giải quyết thủ tục hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công tác điều tra, xử phạt và nhiều hoạt động quản lý liên quan khác. Ở các sở Công Thương, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn thường chỉ giao cho một hoặc hai cán bộ kiêm nhiệm bên cạnh các công tác khác.
Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những khó khăn lớn nhất đối với cơ quan quản lý, có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác quản lý.
Bộ Công Thương cho biết, trong Quý IV năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý kinh doanh hàng đa cấp trên 4trụ cột sau:
Thứ nhất, duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Hiệu quả của việc duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đã được thể hiện rõ trong Quý IV năm 2017. Do đó, trong Quý IV năm 2017, các cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì các hoạt động này, đặc biệt là ở các địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Quý IV.
Trước tiên, Bộ Công Thương phải khẩn trương xây dựng để trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP theo đúng thời hạn, đảm bảo tính khả thi của Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng từng bước triển khai xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp ngay từ khi Nghị định chưa được ban hành để đảm bảo tiến độ xây dựng.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật. Thiệt hại của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đa số các trường hợp, là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của chính người tham gia. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động bán hàng đa cấp cũng như các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cần được tiếp tục chú trọng trong Quý IV năm 2017. Một khi nhận thức của người dân được nâng cao, môi trường hoạt động và cơ hội trục lợi của các đối tượng bất chính sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Trong Quý IV năm 2017, các văn bản pháp luật mới điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp sẽ được Chính phủ ban hành. Nội dung các văn bản này cần được nhanh chóng phổ biến đến người dân, cũng như các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Các cơ quan quản lý cũng cần tích cực cập nhật, nghiên cứu, tìm hiểu để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Truyền thông địa phương cần được đặc biệt coi trọng bởi các hoạt động đa cấp bất chính thường có xu hướng nhằm đến các địa phương.
Thứ tư, kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Trong Quý IV, việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nhân sự liên quan đến công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cũng là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm để đảm bảo hiệu quả quản lý trước mắt cũng như lâu dài.