Các biện pháp bình ổn giá Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán được các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho nhân dân mua sắm. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với giá cả hợp lý chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thu kém nhiều so với hàng nhập khẩu. Đây là tình hình chung về tình hình giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 được Bộ Tài chính công bố ngày 7/2/2014.

Giá cả thị trường những tháng đầu năm 2014 có xu hướng ổn định. Nguồn: internet
Giá cả thị trường những tháng đầu năm 2014 có xu hướng ổn định. Nguồn: internet
Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định

Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua khảo sát, theo dõi, tổng hợp của Bộ Tài chính có thể đánh giá tổng quát về thị trường Tết Giáp Ngọ năm 2014 là: nhờ sự chỉ đạo công tác phục vụ Tết kịp thời, sát sao của Chính phủ, của các bộ: Bộ Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thông, Bộ Y tế… và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà nhân dân trong cả nước đã đón Tết truyền thống dân tộc Giáp Ngọ trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.   

Trên thị trường, cung về hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân  dân. Hàng nội địa chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trên thị trường. Giá cả thị trường trong cả nước tất cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, riêng nhóm thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản) tăng nhẹ vào những ngày 29, 30 và mùng 3,4 Âm Lịch theo quy luật Tết hàng năm. Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.

Hoạt động của thị trường Tết Nguyên Đán năm nay có một số đặc điểm sau:

Theo quy luật, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán của các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng, nên ngay từ giữa tháng 1/2014, thị trường hàng hoá dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu hoạt động sôi động, tuy nhiên, sức mua Tết Giáp Ngọ 2014 thấp hơn so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013 , tăng 15%-20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10%-15% tại nông thôn. Do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; sức mua tăng tập trung vào các ngày 23 tháng chạp, 28, 29, 30 Âm lịch; siêu thị, trung tâm thương mại thu hút khách đông khách hàng do phát huy lợi thế về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả bình ổn.

Những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán được các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho nhân dân mua sắm. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với giá cả hợp lý chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thu kém nhiều so với hàng nhập khẩu.

- Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa ngày càng lớn mạnh, được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống… Đặc biệt là giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định.

- Các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú thu hút người tiêu dùng... Hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, khu công nghiệp chế xuất, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.

Tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã có kế hoạch mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm nên góp phần hạn chế việc phải mua dự trữ, giảm áp lực tăng giá.

- Công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhân dân đón Tết được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết được các doanh nghiệp vận tải chủ động đáp ứng đầy đủ thông qua việc huy động tăng thêm đầu phương tiện, tăng chuyến, mở thêm tuyến đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong những giáp Tết của người dân, đồng thời một số đơn vị, tổ chức có kế hoạch tổ chức đưa đón công nhân, sinh viên về quê đón Tết. Các hàng hóa thiết yếu cho đời sống như điện, nước sạch sinh hoạt, xăng dầu, … được các ngành chủ quản chỉ đạo cung cấp đầy đủ, ổn định phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1/2014 tăng 0,69% so với tháng 12/2013. So với mức tăng của tháng 1 (tháng giáp Tết Nguyên đán) trong giai đoạn từ năm 2003-2014 thì mức tăng tháng 1/2014 chỉ tăng cao hơn so với tháng 1/2009 nhưng thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây.

Giá cả thị trường, sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 (tính từ 15/12/2013 đến 15/1/2014) tăng 0,69% đã tiếp tục nhích lên và có những biến động trái chiều nhau: một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, dịch vụ giáo dục…); có loại giá giảm như giá LPG giảm khoảng 8,53% đến 8,85% đầu tháng 1 và giảm tiếp 4,4% từ 1/2/2014, giá xi măng giảm từ 30.000-40.000 đồng/tấn tại các nhà máy.

Nhà nước tiếp tục  giữ ổn định giá một số loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản như: điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, dịch vụ công… trong tháng Tết.

Đối với xăng dầu: ngày 27/1/2014 Bộ Tài chính có Công văn số 1610/BTC-QLG điều hành kinh doanh xăng dầu, theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối: Giảm giá bán tối thiểu 331 đồng/lít đối với dầu diezel; giữ ổn định giá các mặt hàng xăng và giá dầu hỏa, dầu madut; Giữ ổn định thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành; Khôi phục lợi nhuận định mức với mặt hàng dầu diezel từ 250đ/lít lên 300đ/lít; với mặt hàng dầu hỏa từ 0đ/lít lên 100đ/lít; Giảm sử dụng quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa, dầu madut; Không tính lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng.

Giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ; giá một số loại trái cây bày mâm ngũ quả như chuối xanh, thanh long… tăng cao trong những ngày cận Tết do sức mua tăng cao. Giá hoa tươi cũng có xu hướng tăng vào những ngày cận Tết nhưng mức tăng không có quá cao.

Đồng thời nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng 5%-10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, đồ dùng gia đình… Tuy nhiên, ở các chợ dân sinh trong phạm vi cả nước, lượng hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn tăng.

Diễn biến giá một số hàng hóa, dịch vụ dịp Tết như sau:

- Lương thực: Giá thóc, gạo tẻ thường và giá gạo chất lượng cao tăng do nhu cầu phục vụ tết tăng. Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường trong tuần (từ 18-25/1/2014) tăng so tuần trước, giá thóc, gạo tẻ thường tăng 200 đồng/kg. Giá gạo chất lượng cao (tám Điện Biên, tám Hải Hậu, gạo hương Lài, gạo Bắc Hương...) tăng từ 500-2000 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa, giá gạo thành phẩm xuất khẩu giảm so với tuần trước từ 75-350 đồng/kg tùy từng loại.

- Thực phẩm: Giá một số loại tăng như thịt lợn hơi tại miền bắc tăng 1.000 -2.000 đồng/kg. Thịt bò thăn tại Miền Bắc giá tăng 20.000-25.000 đồng/kg; miền Nam giá tăng 25.000-30.000 đồng/kg. Thịt gà ta và gà công nghiệp làm sẵn có kiểm dịch tại Miền Bắc giá tăng 15.000-20.000 đồng/kg; miền Nam giá tăng 15.000-18.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn tăng 10.000 đồng/kg. Thịt lợn mông sấn ổn định.

Giá các loại đồ khô như măng khô, miến, nấm hương tăng từ 5%-10%. Giá một số loại rau củ quả ổn định do thời tiết những ngày Tết Giáp Ngọ nắng ấm trong cả nước, thuận lợi cho thu hoạch và vận chuyển. Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống… tăng nhẹ so với tháng trước.

- Xi măng: Đầu tháng 1/2014, giá bán xi măng tại một số nhà máy được điều chỉnh giảm từ 30.000-40.000 đồng/tấn, riêng xi măng Tam Điệp giảm 140.000 đồng/tấn (giá đã có thuế Giá trị gia tăng) so với cùng kỳ tháng 12/2013. Việc điều chỉnh giảm giá được các doanh nghiệp thực hiện do cắt giảm chi phí lưu thông và để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

- Thép: Giá bán thép thành phẩm của Tổng công ty Thép Việt Nam và các công ty liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam cũng như giá bán lẻ thép xây dựng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung ổn định. Riêng Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên điều chỉnh giảm giá bán thép thành phẩm từ ngày 16/01/2014 với mức giảm là 380 đồng/kg do nhu cầu giảm.

- Xăng dầu: Giá xăng dầu được điều hành đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước thông qua sử dụng các công cụ tài chính (Quỹ Bình ổn giá, thuế nhập khẩu và lợi nhuận định mức), góp phần hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung. Cụ thể: trong hai lần điều hành gần đây nhất (ngày 31/12/2013 và ngày 15/1/2014), để góp phần bình ổn giá trong dịp Tết, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán, thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành, yêu cầu các doanh nghiệp chưa tính hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở kết hợp với sử dụng Quỹ Bình ổn giá với một số mặt hàng xăng dầu .

- Thuốc phòng, chữa bệnh cho người: Nhìn chung, giá các mặt hàng thuốc trên thị trường tuần trước Tết tiếp tục ổn định. Nguồn cung ứng thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh  và nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân vẫn đảm bảo.

Những ngày cận Tết (từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp), nếu so sánh giá hàng hoá với khoảng thời gian trước Tết ông Công, ông Táo thì giá hàng hóa cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng cao.

Sau khi nghỉ Tết ngày Mùng 1, 2 và 3, ngày Mùng 4 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước (Coopmart, Fivimart...) đã mở cửa khai trương bán hàng; hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng. Từ ngày mồng 5,6 Tết trở đi hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh đã mở cửa bán hàng nhiều hơn. Đặc điểm của thị trường những ngày sau Tết là: lượng hàng hóa vẫn nhiều, nhưng khối lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả. Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như: trông giữ ô tô xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 40%-100%, dịch vụ bún phở tăng 40% so ngày thường.

- Cước giao thông vận tải: Giá cước vận tải bằng đường bộ về cơ bản ổn định, tuy nhiên một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách từ 15%-60%  so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều rỗng . Đối với chiều vắng khách, các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh giảm giá vé tàu hỏa, vé máy bay để cạnh tranh thu hút khách, tăng thu. Mức giảm cao nhất lên tới 40%. Đối với giá cước vận tải đường sắt: Ngành đường sắt áp dụng chính sách tăng giá chiều đông khách từ 5- 15% và giảm giá tối đa đến 40% chiều vắng khách so với Tết Quý Tỵ 2013. Về vận tải hàng không, theo Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (VNA) trong dịp Tết tùy theo tình hình thị trường, các mức giá có thể điều chỉnh trong phạm vị 15%.

Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng nhất là những ngày cận Tết, gây sức ép tăng giá nhất là giá các mặt hàng chủ yếu tiêu dùng cho dịp Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, may mặc, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng…). Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm nhưng chỉ bằng 80-90% so với Tết Quý Tỵ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1/2014 ước đạt tăng 2,7% so với tháng 12 năm 2013, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2013, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,8% (cùng kỳ tăng 1%). Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 01/2014 ước đạt khoảng 776,2 nghìn lượt, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2013 (cùng kỳ tăng 2%); trong đó: khách du lịch, nghỉ ngơi tăng gần 20%; khách đến công tác tăng 18,1%; khách thăm thân nhân tăng 25,4%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người mua cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, ảnh hưởng tới sức mua trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào. Mặt khác, tình hình thời tiết khá thuận lợi cho sự phát triển của các loại hoa, cây cảnh Tết, rau xanh... tình hình dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng vẫn đang được kiểm soát đã hạn chế việc tăng giá các mặt hàng này những năm trước.

Để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, góp phần đảm bảo cho nhân dân đón Tết trong không khí phấn khởi, vui vẻ, an toàn và tiết kiệm, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các bộ, ngành đều có những chỉ đạo cụ thể đối với các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện như: Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, ... Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành các chỉ đạo về bình ổn giá trong dịp tết, giao nhiệm vụ cho các ngành có biện pháp cụ thể không được để xảy ra mất cân đối cung-cầu hàng hóa dịch vụ; tăng cường công tác bình ổn giá... góp phần quan trọng giảm áp lực tăng giá thị trường, giữ bình ổn thị trường, không để giá cả tăng cao.

Triển khai thực hiện tốt quản lý, điều hành và bình ổn giá

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013, Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, trong đó, chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực phối hợp với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong các Chỉ thị nêu trên và các văn bản có liên quan, đồng thời triển khai thực hiện tốt về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.

Bên cạnh đó, ngày 7/1/2013, Bộ Tài chính cũng đã ban hành công văn số 308/BTC-QLG gửi 19 tỉnh, thành phố  có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước nhằm tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 ngay từ đầu năm tại địa phương.

Trên cơ sở đó, tính đến ngày 27/1/2014, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của 44/63 UBND tỉnh, thành phố về việc ban hành các Chỉ thị, Thông báo triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, kế hoạch thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh nhằm chuẩn bị và tổ chức chu đáo phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền thực hiện Chỉ thị nêu trên .

Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh thành phố, nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị sớm và khá chu đáo. Tính đến ngày 25/1/2014, đã có 53/63 địa phương có kế hoạch chuẩn bị Tết. Ngoài lượng hàng dự trữ với số kinh phí được hỗ trợ, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết trên cả nước ước đạt khoảng 180 - 200 nghìn tỷ đồng.

Các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết; chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ; tăng cường thực hiện Chương trình bình ổn giá cả thị trường kết hợp với đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; Kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhất là đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, xăng dầu, gas...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá.

Các doanh nghiệp đã chủ động nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, tổ chức các hội chợ xuân, các chương trình khuyến mại, giảm giá…;

Về triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, theo báo cáo của sở Tài chính các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 25/01/2014 có 39 địa phương đã  triển khai thực hiện từ các nguồn: ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, cho DN vay và hỗ trợ lãi suất với tổng kinh phí 1.095,5 tỷ đồng, cụ thể:

- Tạm ứng ngân sách địa phương cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 706,4 tỷ đồng.

- Tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 363 tỷ đồng.

- Cho doanh nghiệp vay và hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá là 26,1 tỷ đồng.

Chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 có nhiều điểm mới như đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, nhiều địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết với nguồn vốn và hàng hóa tự có của doanh nghiệp. Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh  không dùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi; Tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển. Đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, địa phương (TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Hà Nội và các tỉnh lân cận); tập trung phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng bão lũ...với mạng lưới bán hàng bình ổn Tết năm nay khoảng 10.000 điểm (Tết Quý Tỵ  8.000 điểm); kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn và mở cửa sớm sau Tết, tạo tâm lý an tâm cho thị trường, giảm mua trữ, thay đổi thói quen tiêu dùng.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối (với gần 8.600 chợ, 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi) để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.

Thực hiện chế độ báo cáo tình hình giá cả thị trường trước, trong và sau Tết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10943/VPCP-TH ngày 27/12/2013 và Công văn số 236/VPCP-TH ngày 10/1/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo tình hình dịp Tết, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Sở Tài chính về báo cáo giá thị trường Tết, các sở Tài chính sau đây đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, bảo đảm tiến độ, nội dung theo yêu cầu: Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cà Mau, An Giang, Tiền Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Lạng Sơn, Bến Tre, Tuyên Quang, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Thuận, Sơn La, Long An, Lâm Đồng…

Trên cơ sở báo cáo của các sở tài chính địa phương, kết hợp quá trình theo dõi nắm bắt tình hình thị trường của các cán bộ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hàng ngày, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo từng ngày Tết, từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết (từ 28/1 đến ngày 5/2/2014), báo cáo tổng hợp về tình hình trong 03 ngày Tết (30 tháng Chạp, mùng 1, mùng 2 Tết) ngày mùng 2 Tết (1/2/2014), báo cáo tổng hợp tình hình trước, trong và sau Tết  Mùng 5 Tết (ngày 4/2/2014) gửi Văn phòng Chính phủ theo quy định.

Chú trọng chính sách an sinh xã hội

- Xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho các địa phương dịp Tết nguyên đán và giáp hạt năm 2014 góp phần cân đối cung cầu, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Từ 1/1/2014 đến ngày 27/1/2014, đã xuất 18.945 tấn gạo gồm: xuất cứu trợ 18.540 tấn gạo cứu đói giáp hạt, Tết Nguyên đán và 405 tấn gạo hỗ trợ dân di cư từ Campuchia về nước.

- Trợ giá xe buýt của các địa phương: năm 2014 một số địa phương triển khai trợ giá xe buýt trên địa bàn cụ thể như sau: Thành phố Hà Nội: Bố trí 1.000 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh: Bố trí 1.337 tỷ đồng; Tỉnh Đồng Nai: Bố trí 40 tỷ đồng. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: Hỗ trợ tiền đi lại cho bộ công chức do chuyển địa điểm đến khu hành chính từ TP. Vũng Tàu về TP. Bà Rịa là 900.000 đồng/người/tháng. Tỉnh Bình Dương: Không bố trí ngân sách địa phương để trợ giá xe buýt, nhưng yêu cầu doanh nghiệp tự lo, lấy tuyến lãi bù tuyến lỗ và dùng nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt để đảm bảo giao thông công cộng phục vụ nhân dân trong phạm vi tỉnh.

- Về bổ sung tiền lương và một số chính sách an sinh xã hội cho các địa phương:

Về bổ sung tiền lương năm 2014 (mức lương 1,15 triệu đồng/tháng), căn cứ ước thực hiện năm 2013, nhu cầu năm 2014, đã bố trí trong dự toán đầu năm giao cho các địa phương (phần ngân sách trung ương phải bổ sung cho các địa phương để thực hiện tiền lương đến 1.150.000 đồng/tháng là 51.697 tỷ đồng). Các địa phương chủ động sử dụng dự toán đã giao để thực hiện.

Riêng về nguồn tiền lương năm 2013, trình Thủ tướng Chính phủ nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương năm 2012 dành nguồn cải cải cách tiền lương năm 2013. Để các địa phương có nguồn thực hiện chế độ tiền lương, đã trình Bộ tạm cấp 8.724 tỷ đồng (khoảng 90% nhu cầu kinh phí ngân sách trung ương phải bổ sung cho các địa phương - ngoài số ngân sách trung ương đã bổ sung tiền lương giao dự toán đầu năm giao 34.919 tỷ đồng đã) cho 38 địa phương do dự kiến thiếu nguồn.

- Về tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội: Cơ bản các chính sách an sinh xã hội đã được giao dự toán đầu năm (như chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67, Nghị định 13, Luật người cao tuổi: 2.000 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh bán trú theo Quyết định số 85/QĐ-TTg: 992 tỷ đồng, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 49,74/NĐ-CP: 2.650 tỷ đồng,...); các địa phương chủ động sử dụng dự toán đã giao để thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng.

Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 05/CT-BTC; Bộ Tài chính đã tham gia đoàn công tác liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm việc tại một số địa phương  về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết; đồng thời chủ trì tổ chức đoàn công tác của Bộ Tài chính kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại một số tỉnh, thành phố.

Các địa phương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả) và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết…. bảo đảm cho nhân dân đón Tết truyền thống vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Tăng cường tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh thực hiện văn minh thương mại, niêm yết giá bán, bán hàng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kiên quyết xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngăn chặn các hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lương, chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông buôn bán hàng cấm. Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh tóan bằng nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa được trợ giá, trợ cước phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá của doanh nghiệp đối với các mặt hàng doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh tăng giá trong dịp Tết. Thực hiện các biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, lưu thông, giảm áp lực tăng giá, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ như: hệ thống Hải quan tổ chức thông quan hàng hóa kịp thời; hệ thống thuế kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật...

Giá cả thị trường những tháng đầu năm 2014 có xu hướng ổn định

Tháng 2 và tháng 3/2014, trong nước là thời điểm của Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình khả năng sẽ có xu hướng tăng;

Tuy nhiên, trong tháng 2 và tháng 3/2014 có một số yếu tố kiềm chế tăng giá đó là: cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết không cao; giá nhiều mặt hàng như thực phẩm, cước vận tải đã cơ bản bình ổn trở lại so với thời điểm trước Tết; chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan...

Dự báo giá thị trường tháng 2/2014 tăng so với tháng 1/2014, tháng 3/2014 có xu hướng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với tháng 2/2014.

Kiến nghị giải pháp điều hành: giá xăng dầu cần được điều hành theo diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới và quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu…

Các mặt hàng Nhà nước còn định giá sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường với lộ trình, liều lượng thích hợp để không gây tác động xấu đến giá cả thị trường trong quý I/2014.