Các bộ, ngành tích cực hành động giảm phát thải khí nhà kính
Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết kể từ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đến nay và đã tạo được chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực.
Sau COP26 và COP27, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tích cực thực hiện cam kết; các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động.
Từ các cam kết tại COP26, các bộ, ngành có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực quản lý.
Các bộ này cũng thực hiện đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải; xây dựng hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến.
Chẳng hạn như: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, các dự án điện gió ngoài khơi; hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở phân loại dự án ưu tiên cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; ban hành Thông tư quy định chi tiết kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải.
Bộ Công Thương xây dựng Chương trình giảm sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành Năng lượng, lồng ghép vào Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; xây dựng dự thảo cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường; hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; ban hành Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng thực hiện các sáng kiến đã tham gia tại COP26. Đồng thời, triển khai Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) từ rừng vùng Bắc Trung Bộ và đang đàm phán cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu các đơn vị thúc đẩy trồng khoảng 244.000 ha rừng (gồm 7.451 ha rừng phòng hộ; 1.448 ha rừng đặc dụng; 221.694 ha rừng sản xuất) với 33.255 ha trồng rừng gỗ lớn, 130.714 ha khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, 1.900 ha rừng ngập mặn và 1.130 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển; hỗ trợ phát triển, mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái rừng có sự tham gia của cộng đồng...
Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methanol của ngành Giao thông vận tải; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho cấp quốc gia và thành phố; thực hiện nâng cao năng lực quản lý và giảm phát thải khí nhà kính...
Nhìn chung, để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình đề ra, bên cạnh sự vào cuộc hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương cần sự tham gia, chung tay hưởng ứng của cộng đồng người dân. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền cần tiếp đẩy mạnh truyền thông để nâng cao ý thức, nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.