Điểm lại các chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2023

Việt Hoàng

Từ tháng 1/2023, nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính chính thức có hiệu lực.

Tháng 1/2023, nhiều chính sách quan trọng bắt đầu có hiệu lực.
Tháng 1/2023, nhiều chính sách quan trọng bắt đầu có hiệu lực.

Nhiều điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 với 7 Chương, 157 Điều được đánh giá sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản và toàn diện về thị trường bảo hiểm Việt Nam. 

Theo đó, Luật mới đi vào thực thi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm; các nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ; Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm; Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm;  Bổ sung quy định về an toàn tài chính...

Mời xem nội dung Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 tại đây: Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15

Điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở

Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/1/2023, Quốc hội quyết nghị về thực hiện chính sách tiền lương như sau:

- Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018;

- Từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1.800.000 đồng/tháng (Hiện mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP); Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

- Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

Mời xem nội dung Nghị quyết số 69/2022/QH15 tại đây: Nghị quyết số 69/2022/QH15

05 nội dung chi chương trình bảo tồn, số hóa di sản văn hóa

Ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2022/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08/01/2023.

Theo đó, nội dung chi của Chương trình bảo tồn, phát huy và số hóa di sản văn hóa gồm:

- Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó: Tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa; Biên soạn tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ; Tổ chức các cuộc thi, hoạt động chuyên môn, chuyên ngành đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.

- Chi tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình.

- Chi tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước có tính chất quốc tế, đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam.

- Chi các đoàn tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về di sản văn hóa ở nước ngoài.

- Chi hoạt động của các Hội đồng chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa để tư vấn, thẩm định, cho ý kiến chuyên môn hoặc làm cơ sở xác định các nhiệm vụ triển khai, nghiệm thu các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Mời xem nội dung Thông tư số 71/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 71/2022/TT-BTC

Từ năm 2023, phải chứng minh người phụ thuộc khi nộp thuế thu nhập cá nhân

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, Thông tư số 79/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành, đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc khi nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo Thông tư, kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hoàn thành việc kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người nộp thuế không phải nộp các giấy tờ chứng minh người phụ thuộc nếu thông tin trong những giấy tờ này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Thông tư cũng bãi bỏ Thông tư số 20/2014/TT-BTC ngày 12/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam

Mời xem nội dung Thông tư số 79/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 79/2022/TT-BTC