Các công cụ kinh tế bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 quy định rõ việc áp dụng các công cụ kinh tế cho công tác bảo vệ môi trường.
Cụ thể, theo quy định tại Mục 1, Chương XI của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước áp dụng nhiều công cụ kinh tế cho công tác bảo vệ môi trường gồm:
Thứ nhất, thuế bảo vệ môi trường: Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường được xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường.
Thứ hai, phí bảo vệ môi trường: Phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thứ ba, ký quỹ bảo vệ môi trường: Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động: Khai thác khoáng sản; Chôn lấp chất thải; Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Thứ tư, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên bảo vệ môi trường: Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm:
- Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp (Tổ chức, cá nhân đã chi trả dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo pháp luật về lâm nghiệp trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì không phải trả tiền sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của Nghị định này).
- Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản của vùng đất ngập nước quan trọng, vùng sinh thái hỗn hợp theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
- Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản của khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động thuộc di sản thiên nhiên phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; dịch vụ hệ sinh thái công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; trừ trường hợp đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon.
Thứ năm, tổ chức và phát triển thị trường các-bon.
Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên.
Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.
Thứ sáu, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường công suất lớn có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.