Các đại gia từng muốn cải tạo tập thể cũ đang ở đâu?
Năm 2017, 19 doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội. Song đến nay, theo chia sẻ từ một số đơn vị, mọi việc vẫn cơ bản dậm chân tại chỗ, thậm chí có bên cho biết đã rút khỏi danh sách này.
“Nếu có việc thì cũng tốt quá”
Một nguồn tin từ Hoà Phát chia sẻ doanh nghiệp này đã rút khỏi đề án cải tạo chung cư cũ. Nguồn tin nói trên cho hay việc rút khỏi đề án là do chiến lược phát triển của doanh nghiệp không tập trung nhiều cho bất động sản. Vị này không bình luận thêm về câu chuyện cải tạo chung cư cũ.
Hoà Phát là một trong 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các chung cư cũ có chiều cao 2-6 tầng ở Hà Nội vào tháng 4/2017. Cùng với Hoà Phát, danh sách tham gia lập quy hoạch chi tiết cho cải tạo tập thể cũ còn có nhiều đơn vị khác như Vingroup, Sungroup, T&T, MIK Land, Geleximco… Kinh phí lập quy hoạch chi tiết sẽ do doanh nghiệp tự chủ động. Sau khi có đồ án tổng thể quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì việc chọn nhà đầu tư tham gia sẽ được thực hiện theo quy định.
Ông Vũ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), xác nhận doanh nghiệp này có một bộ phận làm quy hoạch chi tiết cải tạo khu tập thể Khương Thượng, đã họp vài lần. Theo ông Hậu, các phương án vẫn đang được trình, theo hướng cách tháo gỡ như thế nào để người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy hiệu quả.
“Khi được giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết cải tạo tập thể Khương Thượng, chúng tôi cũng đưa ra các đề xuất, chờ xin chủ trương. Tôi cho rằng việc này phải tháo gỡ từ tổng thể, đảm bảo quyền lợi của người dân nhưng cũng đáp ứng quyền lợi của doanh nghiệp, xem xét các vấn đề chiều cao, giao thông. Đây cũng là những yếu tố quan trọng. Quan trọng nữa là sự đồng thuận của người dân”, ông Hậu bày tỏ với Người Đồng Hành.
Ông Hậu nói rằng “nếu có việc thì cũng tốt quá” nhưng “quan trọng là cần có được 2 yếu tố là sự ủng hộ của Nhà nước và nhân dân”.
10 năm cải tạo được 1%
Hiện tại, theo thống kê của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đén 5 tầng, phân bố chủ yếu ở 4 quận nội đô. Khoảng 25% số này thuộc diện bị hư hỏng, nguy hiểm. Trong đó, 13 chung cư nguy hiểm cấp B, 88 dự án cấp C và 2 cấp D. Việc cải tạo chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đã được đặt ra hơn chục năm nay. Tuy nhiên, thực tế, con số cải tạo được chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Hiện nay, trên toàn TP. Hà Nội có 14 chung cư cũ được xây dựng mới, đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%. 5 chung cư cũ đang được phá dỡ, triển khai xây dựng. 4 khu nguy hiểm cấp độ D đang được tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Trong năm 2018, một số hoạt động liên quan đến cải tạo chung cư cũ được tiến hành. Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo tập thể Kim Liên vừa được phê duyệt mới đây. Khu tập thể cũ Kim Liên và các khu vực lân cận sẽ được quy hoạch cải tạo, xây dựng lại thành các nhà cao tầng, tạo nhiều không gian mở trong đô thị, bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật và các tiện ích công cộng.
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Việt Úc là nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam - The Boulevard (số 22 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội).
Có nhiều nguyên nhân tạo nên khó khăn trong cải tạo tập thể cũ. Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ về nguyên tắc, khi nhà đã được bán cho người dân thì họ cần có trách nhiệm tự xử lý, cải tạo. Thế nhưng, đây là các khu nhà tập thể đã tồn tại từ lâu, người sống trong này đa số là những người có thu nhập thấp. Do vậy, UBND thành phố giao cho các doanh nghiệp cải tạo một cách đồng bộ là chủ trương đúng.
“Từ đó, cải tạo tập thể cũ trở thành câu chuyện của 3 bên: UBND thành phố, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi nào các bên tìm được tiếng nói chung thì việc cải tạo mới có thể thực hiện”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, với các khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng người dân thì cần kiên quyết cải tạo. Thậm chí, việc cưỡng chế để cải tạo là cần thiết nhằm tránh trường hợp xấu nhất xảy ra, công trình đe dọạ sự an toàn của người dân.
Ngày 24/9 vừa qua, tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2018 của Thường trực Thành uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nói về câu chuyện cải tạo tập thể cũ. Ông nói:“Các đồng chí mạnh dạn đề xuất, chúng ta báo cáo lên Thủ tướng xin cơ chế chứ không thì không cải tạo được, cứ loay hoay thế này mãi”, báo Tiền Phong dẫn lời.