Các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao
Hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận những nỗ lực vượt bậc trong 9 tháng đầu năm 2021. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Kim Thành - Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, được biết từ đầu năm đến nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, song các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh đã nỗ lực đạt được nhiều chỉ tiêu kinh tế cao. Xin ông cho biết đôi nét một số kết quả mà các doanh nghiệp KCN đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Vũ Kim Thành: Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội mọi mặt của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn nói riêng. Song với tinh thần cố gắng nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị Tỉnh và các doanh nghiệp, người lao động trong các KCN trên địa bàn nên hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN từ đầu năm đến nay đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
Các KCN tiếp tục có thêm 19 dự án FDI đi vào hoạt động SXKD. Tính đến hết tháng 9/2021, các KCN Tỉnh có 331 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (287 dự án FDI và 44 dự án DDI), chiếm 82% tổng số dự án đầu tư.
Vốn thực hiện của các dự án FDI trong 09 tháng đầu năm 202 đạt 303,31 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 88% kế hoạch năm 2021; nâng tổng vốn thực hiện của các dự án FDI trong các KCN đến nay là 2.935,39 triệu USD, đạt tỷ lệ 55% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 518,34 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và đạt 90% kế hoạch năm 2021; nâng tổng vốn thực hiện của các dự án DDI trong các KCN đến nay là 8.011,36 tỷ đồng, đạt 41% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án.
Trong 09 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN. Tuy nhiên, chính quyền Tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh nói chung và các doanh nghiệp KCN nói riêng đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch COVID-19 lây lan rộng trên địa bàn Vĩnh Phúc để bảo vệ thành quả chống dịch trong suốt thời gian qua “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Nhờ đó phần lớn các doanh nghiệp FDI trong các KCN Tỉnh vượt qua được khó khăn, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ tiêu kinh tế tăng 3-7% so với cùng kỳ; bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp DDI mặc dù nỗ lực khắc phục khó khăn song do điều kiện tài chính, năng lực thị trường còn hạn chế nên phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giảm công suất sản xuất và tiêu thụ, nên các chỉ tiêu kinh tế giảm từ 12-23% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số kết quả cụ thể của các doanh nghiệp KCN đã đạt được trong 09 tháng đầu năm 2021:
Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu đạt 4.901,48 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 78% so với kế hoạch năm 2021; Giá trị xuất khẩu đạt 3.765,18 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 75% kế hoạch năm 2021; Nộp ngân sách đạt 2.770,88 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 95 % so với kế hoạch năm 2021; Giải quyết việc làm mới cho 11.604 lao động trong và ngoài Tỉnh, tăng gấp 6,6 lần so với cùng kỳ 2020 , đạt 137% kế hoạch năm 2021. Lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp KCN: 101.318 người, trong đó có 69.151 người địa phương (chiếm 68%).
Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu đạt 6.890,25 tỷ đồng, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 65% so với kế hoạch năm 2021; Giá trị xuất khẩu đạt 31,85 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 34% so với kế hoạch năm 2021; Nộp ngân sách nhà nước 136,98 tỷ đồng, bằng 77 % so với cùng kỳ năm 2020, đạt 40% so với kế hoạch năm 2021; Giải quyết việc làm mới cho 844 lao động trong và ngoài Tỉnh, đạt 281% kế hoạch năm 2021. Lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp 4.746 người, trong đó có 3.318 người địa phương (chiếm 70%).
PV: Ban Quản lý đã những có giải pháp và hành động thiết thực gì để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, thách thức thời gian qua, thưa ông?
Ông Vũ Kim Thành: Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, các doanh nghiệp KCN Tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nhiều mặt như: Nguồn lao động (tuyển dụng lao động mới; lao động ngoại tỉnh hạn chế đi lại); tài chính (thuế, phí, nợ vay...); nguồn cung ứng thiết bị nguyên vật liệu sản xuất; thị trường tiêu thụ; công tác xúc tiến đầu tư chủ yếu tại chỗ...Mặt khác, số lượng lao động trong các KCN ngày càng tăng (trên 100 nghìn người) nên công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phát triển mối quan hệ hài hòa, ổn định và phát triển giữa các doanh nghiệp và người lao động; số lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn Tỉnh tương đối lớn (khoảng 27.000 người), trong khi đó khu nhà ở công nhân trên địa bàn Tỉnh chưa có, người lao động đi về hàng ngày cũng như người lao động ở trọ tại các khu nhà trọ tư nhân là chủ yếu, nên việc kiểm soát dịch bệnh đối với lực lượng lao động ngoài Tỉnh rất khó khăn, phức tạp.
Trước thách thức đó, lãnh Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã kiên định thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh, Ban Quản lý đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý, gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND Tỉnh và các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID 19. Đồng thời chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN trên địa bàn Tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND Tỉnh.
Kết quả, 09 tháng đầu năm 2021 Ban Quản lý đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh một số các nội dung chủ yếu sau:
(1) Nhiệm vụ, định hướng và giải pháp thuộc các ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Chương trình hành động của UBND Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của CP.
(2) Các nội dung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII; tham gia ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư về Dự thảo Kế hoạch Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế -xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII.
(3) Đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh-Bộ Công an cho phép người lao động nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao (3 đợt với 548 người nước ngoài).
(4) Xây dựng Đề án “Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quản quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”
(5) Xây dựng các nội dung thực hiện Kế hoạch quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
(6) Xây dựng dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND Tỉnh về ban hành chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2033. Hiện Ban đang hoàn thiện Hồ sơ dự thảo theo ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan để báo cáo UBND tỉnh.
(7) Ban hành 250 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN trên địa bàn Tỉnh.
Về nhiệm vụ cụ thể, trong 09 tháng đầu năm 2021 Ban có kiến nghị với các sở, ngành chức năng trong Tỉnh hỗ trợ giải quyết những tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN. Đồng thời duy trì tốt cơ chế phối hợp triển khai thực hiện những nhiệm vụ thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể:
Đề xuất cơ chế giao đất cho Công ty Cổ phần Sản xuất nhôm Việt Đức tại khu 54,02 ha trong KCN Bá Thiện; Đề xuất giải quyết thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật người nước ngoài làm việc tại một số doanh nghiệp trong KCN; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho 15 dự án; Phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc tham gia ý kiến chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho 02 dự án; đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh thông số liên quan đến số tầng cao tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc; tổ chức hội nghị các sở, ngành, địa phương về việc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Sông Lô I, Sông Lô II để hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường…và để sớm triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đề nghị Sở Kế hoạch tham gia ý kiến về về việc hướng dẫn thủ tục rút vốn khỏi dự án KCN Nam Bình Xuyên kèm theo đề nghị của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư VK; hướng dẫn phương án giải quyết, tránh phát sinh thêm các vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, ổn định...
Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn pháp lý và hỗ trợ dịch vụ cho doanh nghiệp như: Ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2020; Hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc về đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KCN Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; Tham gia ý kiến với Công ty TNHH Hiko Tech Vina (KCN Thăng Long) và Công ty TNHH HJC (KCN Khai Quang) về Quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình dự án; Thực hiện tư vấn hỗ trợ cho 05 lượt doanh nghiệp về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; Ký hợp đồng tư vấn dịch vụ với 07 doanh nghiệp hỗ trợ lập hồ sơ cấp mới/điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hỗ trợ 25 lượt doanh nghiệp giải đáp các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính; Làm việc với các đơn vị cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh lao động nhằm giải quyết các nhu cầu đào tạo, huấn luyện của doanh nghiệp; cấp giấy phép chuyên ngành cung ứng lao động nhằm giải quyết các nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.
Nhìn chung việc triển khai thực hiện các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý, Ban Quản lý đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, thỏa đáng.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!