Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu

Những tác động tiêu cực của đại địch Covid-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay và tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện giãn cách xã hội, nhiều lao động cần việc làm, tạo thu nhập.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Kim Trung
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Kim Trung

Để kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn sớm ổn định hoạt động kinh doanh, vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bạc Liêu (Agribank Bạc Liêu) đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức vay vốn bằng VNĐ tại Agribank Bạc Liêu.

Cụ thể, đối với các khoản vay còn dư nợ đến ngày 15/7/2021, Agribank Bạc Liêu giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (trừ các khoản vay đã được hưởng ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19). Với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Theo ông Dương Quốc Sử - Giám đốc Agribank Bạc Liêu: “Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 và được áp dụng tại tất cả 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Agribank đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại nợ gốc và lãi; miễn phí chuyển tiền trong nước và ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Bạc Liêu. Ảnh: Kim Trung
Khách hàng giao dịch tại BIDV Bạc Liêu. Ảnh: Kim Trung

Cùng với Agribank Bạc Liêu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu (BIDV Bạc Liêu) cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm. Riêng đối với nhóm khách hàng khó khăn, mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.

Tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng và chương trình hỗ trợ này kéo dài cho đến ngày 31/12/2021. Trong đó, ưu tiên cho các nhóm khách hàng và các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như: các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, vận tải…

Hay đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu (Vietcombank Bạc Liêu) cũng đã giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng của 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm tới 1%/năm. Riêng khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống...

Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Hiện Vietcombank Bạc Liêu tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng các tháng cuối năm 2021 trong toàn hệ thống của Vietcombank dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank Bạc Liêu đã cơ cấu lại nợ cho nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đã giảm lãi vay từ 5 - 10% cho gần 16.000 khách hàng với tổng quy mô dư nợ được giảm gần 1.730 tỷ đồng. Đồng thời, giảm mức lãi cho vay USD (phục vụ xuất khẩu) từ 0,3 - 2,5% với dư nợ tương ứng trên 15 triệu USD và thực hiện miễn, giảm chi phí dịch vụ chuyển tiền, phát hành… nhằm góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Với sự đồng hành và chia sẻ khó khăn này, đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp dồn lực cho phát triển sản xuất nên nhu cầu sử dụng vốn vay tăng cao.

Việc các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu lại thời gian thanh toán, tăng cường đầu tư tín dụng không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động về vốn, mà còn tạo nên sức mạnh đảm bảo giữ vững tăng trưởng và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.