Các ngân hàng lớn cắt giảm chi phí
Tập đoàn ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) thông báo cắt giảm các khoản đầu tư rủi ro và lợi suất thấp, sau khi lợi nhuận tăng yếu nhất trong năm qua.
Khép lại tài khóa vừa kết thúc ngày 30/9/2015, lợi nhuận của ANZ đạt 7,2 tỷ AUD (5,11 tỷ USD), tăng 3% so với tài khóa trước đó song lại là mức tăng chậm nhất kể từ năm 2008.
Lợi nhuận của ANZ tại Australia tăng 7,2% nhờ thị phần, doanh thu và lượng khách hàng đều tăng, trong khi lợi nhuận tại New Zealand tăng 4,5%. Tổng giám đốc Mike Smith cho biết nhịp độ tăng trưởng kinh tế yếu đi, môi trường cạnh tranh gay gắt, chi phí gia tăng và sự bất ổn trên thị trường tài chính là những “cơn gió ngược” đối với tất cả các ngân hàng, trong đó có ANZ.
Tuy nhiên, động thái giảm thiểu rủi ro của ANZ không nhắm tới các chi nhánh ở châu Á. Đây là một tin vui đối với những nhà đầu tư mong muốn ANZ tập trung vào thị trường cho vay nội địa.
Ông Smith, nhà lãnh đạo có chủ trương mở rộng thị trường châu Á, khẳng định ANZ có chiến lược quản lý vốn một cách chủ động và ngân hàng này đang nỗ lực chuyển đổi danh mục đầu tư, tập trung vào lĩnh vực quản lý tài chính tại các bộ phận, chi nhánh nước ngoài trong khi tăng cường đầu tư vào Australia.
Trong khi đó, "đại gia" ngân hàng nước Anh HSBC cho biết lợi nhuận trước thuế trong quý III/2015 tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,1 tỷ USD. Nhưng doanh thu trong cùng quý lại giảm 4%, xuống 15,1 tỷ USD do bị tác động bởi tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á.
Ông Jackson Wong, một quan chức thuộc Tập đoàn tài chính Simsen, đánh giá kết quả kinh doanh quý III vừa qua của HSBC thật ấn tượng, khi biện pháp cắt giảm chi phí của ngân hàng này đã phát huy tác dụng.
Trước đó trong tháng Sáu, HSBC thông báo có thể cắt giảm tới 50.000 lao động trên toàn cầu và bán mảng kinh doanh của ngân hàng tại Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm cắt giảm chi phí. Ông Wong cũng nhấn mạnh HSBC sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi phục hồi và tăng doanh thu. Theo ông này, kinh tế Trung Quốc nếu "lại sức" sẽ hỗ trợ các thị trường mới nổi tại châu Á.
Tin tức cho hay Standard Chartered, một "đại gia" ngân hàng khác của nước Anh hiện đang tập trung kinh doanh tại thị trường châu Á, thông báo sẽ cắt giảm 15.000 việc làm và huy động tăng vốn thêm 5,1 tỷ USD do kết quả kinh doanh quý III/2015 gây thất vọng.
Ngân hàng đã thua lỗ trước thuế 139 triệu USD, so với mức lợi nhuận trước thuế 1,53 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước và doanh thu giảm 18,4% xuống còn 3,68 tỷ USD. Theo Standard Chartered, hơn một nửa chi phí cho việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ được lấy từ nguồn tiền thanh lý tài sản và các mảng kinh doanh.