Các ngân hàng trung ương đang ngồi chung một thuyền trong cuộc chiến với ông Trump

Theo Khánh An/ttvn.vn

Các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng trung ương các quốc gia tìm được rất nhiều sự đồng cảm khi nói về những ảnh hưởng của chính sách thương mại của ông Trump đối với nền kinh tế toàn cầu. Philip Lowe, thống đốc NHTW Úc, khẳng định sự thiếu chắc chắn trong kinh doanh đang biến những cú sốc chính trị thành kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho rằng căng thẳng thương mại đã gia tăng phí bảo hiểm rủi ro, thắt chặt điều kiện tài chính.

Các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng trung ương các quốc gia tìm được rất nhiều sự đồng cảm khi nói về những ảnh hưởng của chính sách thương mại của ông Trump đối với nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet
Các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng trung ương các quốc gia tìm được rất nhiều sự đồng cảm khi nói về những ảnh hưởng của chính sách thương mại của ông Trump đối với nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: internet

Ngày 23/8, Hội nghị thường niên của các nhà kinh tế và lãnh đạo ngân hàng trung ương đã diễn ra tại Jackson Hole với chủ đề "những thách thức về chính sách tiền tệ". Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gửi đi thông điệp rằng Fed sẵn sàng hạ lãi suất để bảo đảm tăng trưởng, nhưng không cam kết sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh như lời kêu gọi của ông Trump.

Theo ông, nền kinh tế Mỹ đang đối mặt những rủi ro lớn, bao gồm chiến tranh thương mại, nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, căng thẳng ở Hồng Kông, và những dấu hiệu giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Powell nhấn mạnh khả năng giới hạn của Fed trong việc ứng phó với các vấn đề thương mại. Không có tiền lệ nào định hướng phản ứng chính sách cho tình hình hiện nay, chính sách tiền tệ không thể cung cấp một bộ giải pháp cố định cho thương mại quốc tế. Những phát biểu này của ông Powell được xem là một sự chỉ trích ngầm nhằm vào chính sách thương mại của ông Trump.

Ngay khi ông Powell còn đang phát biểu, Tổng thống Trump đã có loạt tweet trên Twitter thể hiện thái độ giận giữ. Ông gọi Chủ tịch Fed Powell là kẻ thù và khẳng định sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Cuối ngày hôm đó, ông tuyên bố tăng thuế suất đối với hơn 500 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi thị trường cổ phiếu chao đảo, hội nghị vẫn tiếp tục bình lặng. Thật vậy, ông Trump thậm chí đã đưa những người tham dự lại gần với nhau hơn.

Rõ ràng nhất, họ đã thống nhất trong tranh cãi về những ảnh hưởng của chính sách thương mại của ông Trump đối với nền kinh tế toàn cầu. Philip Lowe, thống đốc NHTW Úc, nói rằng sự thiếu chắc chắn trong kinh doanh đang biến những cú sốc chính trị thành kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho rằng căng thẳng thương mại đã gia tăng phí bảo hiểm rủi ro, thắt chặt điều kiện tài chính.

Những bài đả kích trên twitter của Tổng thống Trump cũng có thể dẫn đến sự hội tụ chính trị lớn hơn. Các đại biểu tham dự thống nhất trong hoài nghi rằng chính sách tiền tệ có thể bù đắp hoàn toàn cho các tác động xấu của chiến tranh thương mại. Ông Powell cho rằng chính sách tiền tệ có thể tạo niềm tin cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng không thể cung cấp một quy tắc cố định cho thương mại quốc tế. Ông Lowe đặt câu hỏi về việc cắt giảm lãi suất ít nhất bao nhiêu sẽ kích thích đầu tư và lưu ý rằng các quốc gia không thể làm cho nền kinh tế sáng sủa hơn với việc làm mất giá tiền tệ, vì "chúng ta giao dịch với nhau chứ không phải với sao hoả".

Khi các bài phát biểu tiếp tục, một yếu tố thống nhất thứ hai trở nên rõ ràng. Ông Trump là một thế lực mạnh mẽ nằm ngoài sự kiểm soát của Fed. Khi tuyên bố đặt nước Mỹ lên hàng đầu, ông đã làm phức tạp hóa nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đất nước này là giữ cho nền kinh tế trong nước luôn ổn định. Khó khăn đó cũng đồng nghĩa với việc Fed làm phức tạp chính sách tiền tệ ở phần còn lại của thế giới.

Sức mạnh của ông Trump, được thể hiện thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Còn sức mạnh của Fed là gây ảnh hưởng thông qua đồng USD, đồng tiền có vai trò quan trọng toàn cầu trong cả thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Mỹ chỉ chiếm 15% GDP toàn cầu và 10% thương mại toàn cầu, nhưng đồng bạc xanh được sử dụng cho 1/2 hóa đơn thương mại toàn cầu, 2/3 nợ nước ngoài của thị trường mới nổi và 2/3 dự trữ ngoại hối chính thức.

Chính sách của Fed, do đó, có thể tác động sâu rộng. Theo đại biểu Arvind Krishnamurthy và Hanno Lustig của Đại học Stanford, khi Fed tăng lãi suất, phí bảo hiểm cho việc mua tài sản an toàn nhất thế giới - đồng USD, nợ chính phủ Mỹ - cũng tăng theo, do Fed đang báo hiệu rằng việc giảm nguồn cung sắp xảy ra. Wenxin Du thuộc Đại học Chicago cho rằng phí bảo hiểm cũng có thể phản ánh các giới hạn đối với khả năng cho vay USD của các ngân hàng toàn cầu, và chính sách thắt chặt của Fed có thể làm trầm trọng thêm những hạn chế đó.

Bà Hélène Rey, trường Kinh doanh London, đã lập luận rằng chính sách của Fed là một yếu tố quan trọng tác động đến chu kỳ tài chính toàn cầu. Fed tăng lãi suất, đồng nghĩa với thắt chặt điều kiện tài chính ở phần còn lại của thế giới, các thị trường mới nổi có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Các nhà đầu tư sau đó sẽ lo ngại các thị trường mới nổi có thể gặp khó khăn hoặc trở thành những vụ cá cược rủi ro hơn, khiến cho sự dịch chuyển vốn tệ hơn. Các ngân hàng trung ương sẽ không thể bảo vệ nền kinh tế của họ nguyên vẹn khỏi hậu quả này. Về lý thuyết, họ có thể "cuốn theo chiều gió", tăng lãi suất để khuyến khích các nhà đầu tư ở lại. Nhưng những rủi ro đã được nhận thức này có có xu hướng tăng lên mạnh mẽ, cần phải thắt chặt đủ để điều chỉnh nền kinh tế trong nước. Mặc dù cho phép điều chỉnh tỷ giá thay thế cũng dẫn đến những hệ quả xấu, nhưng đó là lựa chọn ít tệ hơn.

Các ngân hàng trung ương phàn nàn về những thế lực làm cho "cuộc sống" của họ khó khăn hơn. Thống đốc Ngân hàng Israel Amir Yaron đã nói về các cuộc đấu tranh trong 3 năm qua. Israel đã giữ lãi suất ở mức rất thấp nhưng vốn nước ngoài vẫn sụt giảm khi Fed thắt chặt. Sự thay đổi chính sách của Fed chỉ được bù đắp một phần bởi chính sách tiền tệ của Israel. Các nền kinh tế tiên tiến cũng không nằm ngoài sự bất mãn, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney gọi đồng USD là đồng tiền độc đoán.

Sự đấu tranh của Fed để đối phó với hậu quả của những lời nói và hành động của ông Trump, đang lặp lại trải nghiệm của những ngân hàng trung ương các quốc gia khác, mà với họ, chính Fed là lực lượng bên ngoài ngang ngược và không thể chịu đựng được.

Tuy nhiên, sự so sánh này cũng không công bằng. Fed, sau tất cả, đang tìm cách thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội uỷ nhiệm và tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh. Fed càng thành công, càng có lợi cho phần còn lại của thế giới. Fed cũng tính đến việc hành động của mình sẽ gây tác động lan toả đến các quốc gia khác ra sao. Chẳng hạn, quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 7 đã được thực hiện một phần bởi những lo ngại về sự tăng trưởng yếu trên toàn cầu. Fed có thể gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ thế giới, nhưng, không giống như ông Trump, Fed không cố ý làm vậy.