Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân tại Agribank Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

Bùi Nguyễn Thùy Dương - Trường Đại học Hùng Vương, Trần Thanh Huy - Trường Đại học Kinh tế Tài chính, TP. Hồ Chí Minh

Dựa vào cơ sở lý thuyết và thực trạng, nghiên cứu này tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank - Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả sử dụng công cụ SPSS 20 để phân tích độ tin cậy thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, mô hình hồi quy tuyến tính bội thông qua việc khảo sát 379 khách hàng cá nhân tại ngân hàng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố tác động đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm: Rủi ro; Cảm nhận sự hữu ích; Cảm nhận tính dễ sử dụng và Hiệu quả mong đợi.

Agribank có sự tham gia chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Agribank có sự tham gia chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Đặt vấn đề

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam tính theo tổng khối lượng tài sản, thuộc loại doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt.

Agribank có sự tham gia chuyển mình mạnh mẽ để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt là việc tối ưu hóa các tiện ích trên dịch vụ ngân hàng điện tử (E-banking) và phổ biến dịch vụ này đến người dùng.

Tuy vậy, các nghiên cứu về dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank chưa nhiều và kết quả chưa tương xứng với quy mô của ngân hàng. Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm tác giả chọn nghiên cứu về “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân tại Agribank - Chi nhánh Tân Bình”.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm ra những nhân tố ảnh hưởng và đề xuất những giải pháp thích hợp để hoàn thiện và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank - Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để Ban Lãnh đạo ra quyết định nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ hiện nay.

Các cơ sở lý thuyết

Dịch vụ ngân hàng điện tử

Khái niệm dịch vụ ngân hàng điện tử (E-banking) xuất hiện ở Việt Nam hơn một thập kỷ qua. Nhắc tới dịch vụ ngân hàng điện tử là nhắc tới một loại hình dịch vụ tạo điều kiện cho khách hàng kiểm tra thông tin hoặc giao dịch bằng hình thức online thông qua tài khoản ngân hàng.

Nhờ có dịch vụ này, người dùng không phải đến trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng hay dùng thẻ ATM để thực hiện giao dịch. Khách hàng chỉ cần truy cập dịch vụ E-Banking qua internet hoặc kết nối với mạng viễn thông trên các thiết bị điện tử thông minh.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dịch vụ ngân hàng điện tử được hiểu là các nghiệp vụ, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được phân phối trên các kênh điện tử như Internet, điện thoại, mạng không dây. Đây là sự kết hợp giữa một số hoạt động dịch vụ ngân hàng truyền thống với công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử viễn thông.

Các mô hình cho cơ sở lý thuyết

Các mô hình được căn cứ làm cơ sở lý thuyết trong nghiên cứu phổ biến có thể nói đến gồm:

- Mô hình chấp nhận công nghệ TAM: Mô hình TAM gồm các nhân tố Nhận thức về sự hữu ích (perceived usefulness) và Nhận thức về độ dễ sử dụng (perceived ease of use).

- Lý thuyết hành vi dự định TPB: Lý thuyết về hành vi dự định TPB được phát triển bởi Ajzen (1985) từ lý thuyết Hành động hợp lý TRA. Lý thuyết hành động hợp lý đề cập đến ý định hành vi. Các nhân tố chính tác động lên ý định hành vi gồm có Thái độ (Attitude) và Nhận thức về áp lực xã hội (Subjective norms) và Nhận thức về sự kiểm soát (Perceived behavioral control).

- Lý thuyết hợp nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT): Lý thuyết UTAUT được xây dựng bởi Viswanath Venkatesh (2003) và các cộng sự dựa trên tám mô hình/lý thuyết thành phần. Các biến chính trong mô hình bao gồm: Hiệu quả mong đợi, Nỗ lực mong đợi, Ảnh hưởng xã hội, Các điều kiện thuận tiện.

Mô hình nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu sử dụng các phương pháp thu thập thông tin, mô tả và phỏng vấn chuyên gia để xây dựng thang đo phù hợp. Sau đó, khảo sát 379 bảng câu hỏi để có được dữ liệu sơ cấp. Dữ liệu thu thập được xử lý bảng phần mềm thống kê SPSS. Mô hình nghiên cứu được đề xuất gồm 5 nhân tố: Hình ảnh ngân hàng, Cảm nhận sự hữu ích, Hiệu quả mong đợi, Cảm nhận tính dễ sử dụng, Rủi ro giao dịch.

Nhóm tác giả dự đoán các nhân tố có tác động dương; trừ nhân tố Rủi ro giao dịch có tác động âm đến quyết định sử dụng dịch vụ E-banking. Do vậy, giả thuyết nghiên cứu mà nhóm tác giả đưa ra như sau:

Giả thuyết H1: Hình ảnh ngân hàng (HA) có tác động tích cực đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank – Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H2: Sự cảm nhận tính hữu ích có tác động tích cực đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank – Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H3: Hiệu quả mong đợi (HQ) có tác động tích cực đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank – Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Giả thuyết H4: Cảm nhận sử dụng (CNSD) có tác động tích cực đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank – Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm tác giả sử dụng công cụ SPSS 20 để phân tích độ tin cậy thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, mô hình hồi quy tuyến tính bội thông qua việc khảo sát 379 khách hàng cá nhân tại ngân hàng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố tác động đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm: Rủi ro; Cảm nhận sự hữu ích; Cảm nhận tính dễ sử dụng và Hiệu quả mong đợi.

Giả thuyết H5: Rủi ro giao dịch (RR) có tác động tiêu cực đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank – Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu

Thông tin chung về mẫu điều tra

Thống kê mô tả cho thấy, nhóm đối tượng nghiên cứu không có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ giới tính; 47% đối tượng được khảo sát là nam và 53% đối tượng khảo sát là nữ. Về độ tuổi, đối tượng khảo sát từ 31 đến 40 tuổi chiếm đa số với 159 người, tương đương 42%.

Về thu nhập, nhóm đối tượng có thu nhập từ 10 đến 15 triệu/tháng chiếm đa số với 161 người, chiếm tỷ lệ 42.5%. Về thời gian sử dụng dịch vụ, nhóm đối tượng có thời gian sử dụng từ 6 đến 10 năm có 147 người, chiếm tỷ lệ 38.8%.

Phân tích hồi quy

Kiểm định Cronbach’s Alpha

Kiểm định Cronbach’s Alpha để đánh giá độ tin cậy của thang đo. Ở lần đầu tiên, biến HA3 không thỏa các điều kiện. Kiểm định Cronbach Alpha cho các biến khác được kết quả Bảng 1.

Bảng 1: Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha

Biến

Giá trị Cronbach’s Alpha tổng

Hệ số tương quan của biến thành phần nhỏ nhất

Giá trị Cronbach's Alpha lớn nhất nếu biến bị loại bỏ

Kết quả

Tiêu chuẩn chấp nhận

>0.6

>0.3

Không lớn hơn Cronbach’s Alpha biến tổng

HA

0.841

0.582

0.839

Chấp nhận

CNHI

0.868

0.652

0.850

Chấp nhận

HQ

0.873

0.685

0.855

Chấp nhận

CNSD

0.723

0.415

0.718

Chấp nhận

RR

0.701

0.428

0.599

Chấp nhận

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả SPSS

Ở lần kiểm định sau, các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy (hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6). Mô hình nghiên cứu tiếp tục sử dụng 20 biến quan sát với 5 khái niệm thành phần để thực hiện phân tích nhân tố khám phá.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

EFA giúp xem xét khả năng rút gọn số lượng biến quan sát. Nghiên cứu đã loại bỏ biến CNHI2, CNSD4, HA2 ở lần chạy đầu tiên vì không thỏa mãn tiêu chuẩn về Hệ số tải phân biệt. Hệ số KMO là 0.770 và Kiểm định Bartlett có Sig.= 0.00. Vậy đã thỏa mãn tiêu chuẩn về hệ số KMO và kiểm định Barllet. Tổng phương sai trích ở dòng component số 5 và cột culumlative có giá trị phương sai cộng dồn của các yếu tố là 68.463% >50% đáp ứng tiêu chuẩn. Kết luận 68.463% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát. Hệ số tải nhân tố (factor loading) đều lớn hơn 0.5 và các hệ số tải chỉ tải lên duy nhất cho 1 nhân tố. Kết quả phân tích nhân tố khám phá (Bảng 2) cho thấy, có 17 biến quan sát được rút trích về 5 (nhóm) nhân tố chính có Eigenvalues là 1.410 >1.

Bảng 2: Giá trị Eigenvalue và Phần trăm phương sai trích

Nhân tố

Hệ số Eigenvalues

Chỉ số sau khi trích

Chỉ số sau khi xoay

Tổng

% Phương sai

% Phương sai trích

Tổng

% Phương sai

% Phương sai trích

Tổng

% Phương sai

% Phương sai trích

1

3.801

22.361

22.361

3.801

22.361

22.361

2.919

17.170

17.170

2

2.513

14.784

37.144

2.513

14.784

37.144

2.353

13.840

31.010

3

2.134

12.552

49.696

2.134

12.552

49.696

2.295

13.499

44.509

4

1.780

10.473

60.169

1.780

10.473

60.169

2.126

12.504

57.013

5

1.410

8.294

68.463

1.410

8.294

68.463

1.947

11.450

68.463

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả SPSS

Hệ số tương quan tuyến tính Pearson (Bảng 3) cho thấy, các biến độc lập đều có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc vì có Sig. nhỏ hơn 0.05, với mức ý nghĩa 5%. Tiến hành đưa cả 5 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc vào mô hình hồi quy tuyến tính ở bước tiếp theo.

Bảng 3: Ma trận hệ số tương quan

Tên nhân tố

HA

CNHI

HQ

CNSD

RR

Hệ số tương quan

0.154

0.357

0.223

0.402

-0.509

Sig.

0.003

0.000

0.000

0.000

0.000

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả SPSS

Mô hình hồi quy và kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy

Về kết quả phân tích hồi quy (Bảng 4), tác giả loại biến Hình ảnh ngân hàng (Sig.= 0.410 > 0,05). Từ đó, sau khi chạy lại hồi quy, rút trích được 4 nhân tố tác động đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Hệ số xác định R2 = 0,501 (Adjusted R Square) có nghĩa là 50,1% sự biến thiên của biến phụ thuộc có thể giải thích từ mối quan hệ tuyến tính của biến CNHI, HQ, CNSD và RR với độ tin cậy 95%. Tất cả các nhân tố đều có tác động như dự báo ban đầu.

Bảng 4: Kết quả mô hình hồi quy

Tên biến

Sig

Hệ số Beta chuẩn hoá

Thứ tự ảnh hưởng

Hệ số tự do

.000

   

HA

.410

.032

Không có ý nghĩa thống kê

CNHI

.000

.247

3

HQ

.022

.087

4

CNSD

.000

.336

2

RR

.000

-.511

1

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả SPSS

Nhận thấy số Sig. trong phân tích ANOVA nhỏ hơn 0.05, kết luận hàm hồi quy hoàn toàn phù hợp với dữ liệu. Giá trị Durbin-Watson là 2.059 nằm trong khoảng từ 1- 3 nên suy ra không có hiện tượng tự tương quan giữa các phần dư trong mô hình.

Kiểm định White cho kết quả Sig. bằng 0.782 lớn hơn 0.05. Kết luận mô hình không vi phạm giả định phương sai sai số thay đổi, với mức ý nghĩa 5%. Khi đó, mô hình hồi quy có dạng:

SD = 0.247*CNHI + 0.087*HQ + 0.336*CNSD - 0.511RR

Vậy các nhân tố Cảm nhận sự hữu ích, Hiệu quả mong đợi, Cảm nhận tính dễ sử dụng và Rủi ro giao dịch đều có tác động đến Quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank - Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là cơ sở để nhóm tác giả đưa ra kết luận và hàm ý trong phần tiếp theo.

Kết luận và hàm ý quản trị

Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy, có 4 nhân tố tác động đến Quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank - Chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh theo thứ tự tác động như sau: (1) Rủi ro giao dịch, (2) Cảm nhận tính dễ sử dụng, (3) Cảm nhận sự hữu ích, (4) Hiệu quả mong đợi. Tất cả các nhân tố (trừ Rủi ro giao dịch) đều có tác động theo chiều dương đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý quản trị như sau:

Thứ nhất, về Rủi ro giao dịch

Nhân tố Rủi ro giao dịch có giá trị trung bình là 3.1 và tác động ngược chiều đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Agribank – chi nhánh Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng đầu tư cho tính an toàn giao dịch của khách hàng. Cùng với sự phát triển của ngành Ngân hàng và dịch vụ tài chính, vấn đề lừa đảo và rủi ro giao dịch đang là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng và các ngân hàng. Để giảm thiểu rủi ro giao dịch cho khách hàng, đòi hỏi nền tảng CNTT của ngân hàng tốt và sự cẩn thận khi sử dụng của khách hàng.

Thứ hai, về Cảm nhận tính dễ sử dụng

Nhân tố Cảm nhận tính dễ sử dụng có giá trị trung bình khá cao là 3.36. Do đó, Agribank cần phát huy thế mạnh này. Ngân hàng cần cải thiện liên tục giao diện của hệ thống. Giao diện của hệ thống là công việc thuộc về bộ phận công nghệ thông tin của ngân hàng nhưng lại có sự tác động đến quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại chi nhánh. Do vậy, Ngân hàng cần thường xuyên tiếp thu ý kiến của khách hàng về giao diện của hệ thống. Liên tục cải tiến các tính năng của ứng dụng hướng đến tính dễ sử dụng và nhiều tiện ích cho khách hàng.

Thứ ba, về Cảm nhận hữu ích

Nhân tố Cảm nhận hữu ích có giá trị trung bình cao nhất ở mức 3.68. Điều này cho thấy khách hàng của Agribank rất quan tâm đến sự hữu ích khi trải nghiệm dịch vụ. Khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử nếu như họ cảm nhận rõ sự hiệu ích của sản phẩm vậy nên Agribank cần tập trung vào yếu tố này. Số hóa các tiện ích của từng sản phẩm ngân hàng điện tử, so sánh với các dịch vụ truyền thống. Mô phỏng 3D cho khách hàng hiểu và cảm nhận. Agribank cần không ngừng cải tiến, cập nhật với mục tiêu lấy trải nghiệm khách hàng làm cốt lõi.

Thứ tư, về Hiệu quả mong đợi

Nhân tố Hiệu quả mong đợi có giá trị trung bình là 3.41, ở mức trung bình thấp. Ngân hàng cần nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ cho khách hàng. Ưu việt của dịch vụ ngân hàng điện tử chính là yếu tố thuận lợi về mặt thời gian và khoảng cách so với việc giao dịch truyền thống. Để thỏa mãn được hiệu quả sử dụng dịch vụ cho khách hàng, ngân hàng cần phải đảm bảo hạ tầng công nghệ của hệ thống, đưa ra các dịch vụ mới để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi, thỏa mãn hiệu quả sử dụng về mặt thời gian.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hà Nam Khánh Giao và Trần Kim Châu (2019), “Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng dịch vụ Smartbanking- Nghiên cứu thực nghiệm tại BIDV - Chi nhánh Bắc Sài Gòn”, Tạp chí Khoa học và đào tạo ngân hàng;
  2. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  3. Khưu Huỳnh Khương Duy và Nguyễn Cao Quang Nhật (2016), “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại ngân hàng tmcp đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai”, Tạp chí khoa học Lạc Hồng;
  4. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, TP. Hồ Chí Minh;
  5. Davis, F. D. 1989, “Perceived Usefulness Perceived Ease of Use, and User Acceptance of Information Technology”, Mis Quarterly, Vol. 13, pp. 319- 340;
  6. Shanmugam Arunagiri, Savarimuthu Michael Thaz, Wen Teoh Chai. 2014, “Factors Affecting Malaysian Behavioral Intention to Use Mobile Banking with Mediating Effects of Attitude”, Academic Research International, Vol. 5 No. 2, pp. 236-253.

 

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 số tháng 6/2023