Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Cần tạo khung pháp lý về ngân hàng điện tử


Các ngân hàng đều trông chờ Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo khung pháp lý thống nhất cho hoạt động ngân hàng điện tử.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hành lang pháp lý không theo kịp sự phát triển của thị trường

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 11/2022, hầu hết các ngân hàng đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ vào hoạt động hàng ngày.

Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số; các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (ML), Dữ liệu lớn (Big Data) trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân...

Tuy nhiên, khung pháp lý dành cho ngân hàng điện tử hiện còn rất hạn chế. Luật Các TCTD ban hành năm 2010 được sửa đổi bổ sung năm 2017 có Điều 97 quy định về giao dịch điện tử: ngân hàng được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Còn Luật Giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2005 khi giao dịch điện tử còn sơ khai, nay nhiều quy định không theo kịp sự phát triển của công nghệ, thị trường sau gần 20 năm.

Sau đó, một số văn bản hướng dẫn được ban hành như Nghị định số 35/2002/NĐ-CP hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng; Thông tư số 28/2015/TT-NHNN và sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 10/2020/TT-NHNN hướng dẫn về chữ ký số và chứng thực chữ ký số.

Gần đây nhất, NHNN ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Nội dung sửa đổi cho phép các ngân hàng cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức định danh điện tử (eKYC). Việc ban hành quy định cho phép áp dụng eKYC nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của thị trường trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19.

Trên thực tế, những hoạt động cung cấp dịch vụ trên môi trường số đã xuất hiện từ vài năm trước, trong đó TPBank là ngân hàng đầu tiên ra mắt LiveBank cho phép khách hàng gửi tiền, chuyển tiền, mở thẻ, gửi tiết kiệm… mà không cần giao dịch với nhân viên tại quầy.

Đến nay, đã có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng eKYC tử theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-NHNN, với hơn 13,2 triệu thẻ đang lưu hành. Tính đến tháng 11/2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu tài khoản và thẻ được mở bằng eKYC.

Trước xu hướng số hóa toàn diện, việc sửa đổi Luật Các TCTD trong đó xây dựng khung pháp lý thống nhất cho ngân hàng điện tử là nhu cầu cấp thiết.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo, ý kiến các ngân hàng đều trông chờ sớm ban hành quy định ở cấp Luật để họ có cơ sở triển khai thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm trên môi trường số ví dụ như việc cấp tín dụng trực tuyến.

Sớm đưa các quy định vào trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Hiện, NHNN đang trong quá trình soạn thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Bản dự thảo Luật đang được lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ đã tính đến các nội dung đặc thù liên quan đến ngân hàng điện tử.

Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD hội viên đã tích cực tham gia tổng kết Luật Các TCTD năm 2010 và góp ý đối với Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).

Gần đây nhất, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Tại buổi tọa đàm, nhiều hội viên đã tham gia góp ý đối với các quy định về ngân hàng điện tử.

Chẳng hạn như: Tại Điều 95 dự thảo Luật sửa đổi quy định ngân hàng được thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Đại diện BIDV cho rằng, cách quy định này có thể được hiểu là ngân hàng chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử nếu có quy định/hướng dẫn của NHNN.

Nếu hướng dẫn của NHNN về giao dịch điện tử chưa bao trùm hết tất cả các hoạt động trong ngân hàng thì họ sẽ gặp khó trong khi các sản phẩm công nghệ, sản phẩm số luôn có phát triển và đòi hỏi sự cập nhật nhanh chóng.

Ngoài ra, theo đánh giá của các ngân hàng, các công ty tài chính, một số quy định cụ thể có tính toán đến yếu tố môi trường điện tử nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Dự thảo quy định ngân hàng, công ty tài chính phải công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng. Nếu ngừng phải công bố tại nơi giao dịch chậm nhất trước 24h.

“Việc quy định tại nơi giao dịch liệu có phù hợp cho giao dịch trên môi trường số với các hình thức giao dịch như website, app…?”, đại diện Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) nêu vấn đề và đề nghị: “Cần quy định cụ thể hơn đối với phương thức giao dịch điện tử cũng như nới lỏng quy định 24 giờ, bởi đôi khi sự cố mạng là khách quan và khó dự định được”.

Hay tại Điều 92 dự thảo Luật quy định TCTD phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng. Trường hợp toàn bộ quy trình cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử thực hiện theo quy định của NHNN.

Đại diện EVN Finance đề nghị Ban soạn thảo xem xét có hướng dẫn quy trình cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử trong cả trường hợp toàn bộ và một phần bởi trong quá trình chuyển đổi số thì các TCTD chưa thể thực hiện ngay được toàn bộ bằng phương thức điện tử.

Các công ty tài chính rất mong đợi các quy định hướng dẫn về nội dung này. Trên thực tế trải qua gần 3 năm dịch bệnh, cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ theo chủ trương của NHNN, các công ty tài chính cũng đã thực hiện một phần quy trình cho vay bằng phương tiện điện tử, đặc biệt đối với các sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Một điểm quan trọng nữa được các TCTD nêu lên, đó là: Điều 96 quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới (vẫn thường được gọi là sandbox) được giao cho Chính phủ quy định sau khi có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với quy định này, đại diện TPBank cho biết, tại nhiều diễn đàn, các ngân hàng liên tục đề nghị sớm có hành lang pháp lý cho sandbox, bởi đây là cơ chế áp dụng cho các sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ. Nếu chờ ban hành đầy đủ các quy định thì cơ hội đã vuột mất.

Do đó, đại diện TP Bank đề nghị quy định cụ thể luôn trong Luật Các TCTD (sửa đổi) thay vì để bất cập như hiện nay.

Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng điện tử, bởi đây là nhu cầu từ sự phát triển của thị trường.

Theo Bùi Trang/thitruongtaichinhtiente.vn