Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia bảo hiểm y tế của hộ gia đình tại TP. Trà Vinh

ThS. Nguyễn Thanh Trúc - Trường Đại học Trà Vinh

Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia bảo hiểm y tế (BYHT) của hộ gia đình trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn theo bảng câu hỏi với 280 đáp viên là đại diện cho các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn TP. Trà Vinh. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia BYHT của hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 biến độc lập có tác động trực tiếp và cùng chiều với ý định tham gia BYHT của hộ gia đình.

Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng.
Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng.

Giới thiệu

BHYT là một phần cần thiết của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cung cấp sự bảo vệ tài chính cho cá nhân và gia đình trong trường hợp phải đối mặt với các chi phí y tế bất ngờ.

Với chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, BHYT ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các hộ gia đình để tránh gánh nặng tài chính. Từ năm 2015, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được triển khai theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhằm tăng diện bao phủ và đạt được mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.

Gia đình càng nhiều người tham gia, mức đóng BHYT càng thấp. Đặc biệt, tham gia BHYT hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng.

Chính vì thế, để đảm bảo cho BHYT phát huy tác dụng tích cực, giúp cho việc khám chữa bệnh của người dân được thuận lợi thì việc tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia BHYT của hộ gia đình là thật sự cần thiết.

Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở kết hợp các lý thuyết có liên quan và kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước, tác giả xây dựng bảng câu hỏi khảo sát và tiến hành phỏng vấn chuyên gia để hoàn thiện bảng câu hỏi. Các biến được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp địa bàn nghiên cứu.

Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua khảo sát 280 người dân là đại diện cho các hộ gia đình không phân biệt đã, đang hoặc chưa tham gia BHYT trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Nghiên cứu được tiến hành qua 2 bước: (1) nghiên cứu định tính nhằm xây dựng thang đo và các biến quan sát phù hợp; (2) nghiên cứu định lượng dưới sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0 bằng việc sử dụng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, kiểm định mô hình bằng phân tích tương quan và phân tích hồi quy đa biến.

Kết quả nghiên cứu

Kiểm định độ tin cậy của các thang đo

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha của các biến nghiên cứu đều có hệ số Cronbach’s Alpha của các biến độc lập đều > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng > 0,3. Có thể kết luận các biến quan sát của tất cả các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy, phù hợp dùng phân tích EFA.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA

Kết quả phân tích nhân tố EFA của các biến độc lập cho kết quả kiểm định KMO = 0,788> 0,5: phân tích nhân tố thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả kiểm định Bartlett's là 3264,763 với mức ý nghĩa sig = 0,000< 0,05 cho thấy, dữ liệu nghiên cứu là hoàn toàn thích hợp.

Phân tích nhân tố khám phá cho biến phụ thuộc cho kết quả kiểm định KMO = 0,817>0,5: phân tích nhân tố thích hợp với dữ liệu nghiên cứu. Kết quả kiểm định Bartlett's là 445,534 với mức ý nghĩa sig = 0,000< 0,05 cho thấy, dữ liệu nghiên cứu là hoàn toàn thích hợp.

Tổng phương sai trích là 62,525% > 50%, đạt yêu cầu. Khi đó, có thể nói rằng 1 nhân tố này giải thích 62,53% biến thiên của dữ liệu. Giá trị của hệ số Eigenvalues của nhân tố lớn hơn 1 là phù hợp.

Phân tích tương quan

Kết quả phân tích tương quan cho thấy được mối tương quan giữa 7 yếu tố cấu thành thang đo. Các giá trị Sig. đều nhỏ hơn 0,05 nên các yếu tố này đều có ý nghĩa về mặt thống kê. Tất cả các biến đều được đưa vào phân tích hồi quy.

Nhân tố phóng đại phương sai (VIF) chỉ dao động từ 1,031 đến 1,412 (tất cả đều nhỏ hơn 2) và hệ số Sig. dưới 0,05 nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Phân tích hồi quy

Hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,604, có nghĩa là 60,4% sự biến thiên của ý định tham gia BHYT của hộ gia đình được giải thích bởi các biến độc lập được đưa vào mô hình. Thêm vào đó, giá trị Sig. là 0,000 < 5% (ngoại trừ biến mức đóng không có ý nghĩa thống kê), có thể kết luận mô hình đưa ra phù hợp với thực tế.

Kết quả hồi quy cho kết luận ở độ tin cậy 95%. Với 7 biến độc lập được đưa vào mô hình thì có 06 biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc.

Nói cách khác, có 06 biến độc lập có ảnh hưởng đến Ý định tham gia BHYT của hộ gia đình theo thứ tự lần lượt Truyền thông (hệ số ước lượng 0,371), Quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình (hệ số ước lượng 0,298), Chất lượng khám chữa bệnh (hệ số ước lượng 0,287), Vai trò người tư vấn (hệ số ước lượng 0,216), Điều kiện kinh tế hộ gia đình (hệ số ước lượng 0,149), Ý thức sức khỏe (hệ số ước lượng 0,120). Riêng biến Mức đóng BHYT không có ảnh hưởng đến ý định tham gia BHYT của hộ gia đình.

Giải pháp nhằm gia tăng ý định tham gia BHYT của hộ gia đình

Với kết quả nghiên cứu nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm gia tăng ý định tham gia BHYT của hộ gia đình gồm:

Tăng cường công tác truyền thông: Tổ chức các hoạt động truyền thông về tầm quan trọng của BHYT, quyền lợi khi tham gia BHYT hộ gia đình cũng như tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe; Tổ chức các buổi tư vấn và giáo dục cho cộng đồng về ý nghĩa và lợi ích của BHYT hộ gia đình, bao gồm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và quyền lợi khi tham gia BHYT.

Tăng cường truyền thông và quảng cáo để nâng cao nhận thức của người dân về ý thức chăm sóc sức khỏe, tăng cường giáo dục và tuyên truyền nhằm thúc đẩy ý thức sức khỏe.

Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh: Tăng cường đào tạo và cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế về kỹ năng khám bệnh, chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình kiểm định chất lượng của các cơ sở y tế; Nâng cấp, tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại, đảm bảo khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất cho bệnh nhân; Đưa ra các giải pháp để giảm thiểu thời gian chờ đợi khám bệnh; Tạo điều kiện cho bệnh nhân phản ánh ý kiến về chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết các thắc mắc của bệnh nhân một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Nâng cao vai trò của người tư vấn: Tăng cường vai trò của người tư vấn về BHYT hộ gia đình, giúp người dân hiểu rõ hơn về các quyền lợi khi tham gia BHYT và các chương trình chăm sóc sức khỏe; Đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho người tư vấn BHYT để giúp người tham gia hiểu rõ hơn về lợi ích khi tham gia BHYT, đặc biệt là việc sử dụng BHYT sao cho hiệu quả nhất; Người tư vấn cần có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu và hấp dẫn.

Hỗ trợ tài chính cho người dân khi tham gia BHYT: Đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn; Miễn giảm phí đóng góp BHYT; Giảm chi phí chữa bệnh cho những người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Nâng cao ý thức sức khỏe của người tham gia BHYT: Khuyến khích người dân đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm; Tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm giải đáp thắc mắc và cung cấp các thông tin về sức khỏe, BHYT, tác hại của bệnh tật và lợi ích của việc tham gia BHYT.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật số 46/2014/QH13 Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT;
  2. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS tập 1 và tập 2, NXB Hồng Đức;
  3. Hoàng Thu Thủy & Bùi Hoàng Minh Thư (2018), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện của nông dân: Trường hợp địa bàn tỉnh Phú Yên. Science & Technology Development Journal-Economics-Law and Management, 2(4), 54-62;
  4. Nguyễn Thị Trúc Hương (2016), “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia BHYT hộ gia đình trên địa bàn huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre”. Luận văn Thạc sỹ Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Trà Vinh;
  5. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Tài chính, Tái bản lần 2;
  6. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2019), “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia BHYT của người dân tại thị trấn Đức Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An”, Tạp chí: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Cần Thơ;
  7. Nguyễn Thanh Lâm (2019), Nhân tố tác động đến việc tham gia BHYT tự nguyện tại tỉnh Tiền Giang, Luận văn Thạc sỹ trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  8. Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hoài Thu (2018), “Nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia BHYT của hộ gia đình tại tỉnh Bình Phước”, Tạp chí: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng;
  9. Yamada, T., Chen, C.C., Yamada, T., Noguchi, H. & Matthew, M., 2009, Private Health Insurance and Hospitalization under Japanese National Health Insurance. The Open Economics Journal, volumn 2, pp. 61 – 71.