Các nước đang phát triển gặp khó trong năm 2015

An Khánh

Nói về triển vọng kinh tế trong năm 2015 của các nước đang phát triển, mới đây, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đã đưa ra nhận định chung là các nước đang phát triển đang đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng.

Triển vọng kinh tế thế giới. Nguồn: IMF, tháng 7/2015
Triển vọng kinh tế thế giới. Nguồn: IMF, tháng 7/2015

Các nước đang phát triển từng là cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu sau thời kỳ khủng hoảng nhưng nay đang phải đối mặt với một môi trường kinh tế khó khăn hơn. Trong bản Báo cáo mang tên Triển vọng Kinh tế toàn cầu được công bố đầu tháng 6/2015, WB cho biết các nước đang phát triển đang gặp khó với một loạt các thách thức nghiêm trọng trong năm 2015 như chi phí vốn vay đe dọa sẽ tăng trong khi giá dầu và giá hàng hóa sắp bước vào một đợt suy giảm mới và làm cho năm 2015 sẽ trở thành năm thứ 4 liên tiếp đáng thất vọng về tăng trưởng kinh tế.

Về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, WB cho biết lãi suất tăng sẽ làm cho vốn vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, có thể sẽ châm ngòi cho một đợt biến động trên thị trường, giảm luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Đợt tăng lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chủ trì lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể sẽ châm ngòi cho một đợt biến động thị trường và giảm luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi tương đương 1,8 điểm phần trăm so với GDP. Các chuyên gia WB nhận định, nếu các thị trường này không thực hiện những chính sách cẩn trọng nhằm đối phó tốt với bất ổn tài chính và bất ổn từ bên ngoài thì họ sẽ gặp khó khăn đáng kể khi phải đối phó với cơn bão thắt chặt chính sách tài khóa của Fed và các hệ quả đi kèm khác.

Về giá nguyên liệu trên thế giới, WB cho biết, đối với các nước xuất khẩu nguyên liệu, việc phải đối phó với giá nguyên liệu trên thế giới giảm cộng thêm dòng vốn bị cắt giảm lại càng là một thách thức chính sách lớn hơn nữa.

Các nước nhập khẩu hàng hóa tuy được hưởng lợi từ lạm phát thấp, áp lực tài khóa thấp và chi phí nhập khẩu thấp nhưng giá dầu thấp cũng chỉ góp phần tăng mức độ hoạt động kinh tế một cách yếu ớt do nhiều nước bị thiếu điện, dịch vụ giao thông, tưới tiêu và các dịch vụ hạ tầng cơ bản khác không bảo đảm. Bên cạnh đó còn một loạt những thách thức khác đối với các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển như bất ổn chính trị, hạn hán, lũ lụt do biến đổi khí hậu…

Theo đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển cho năm 2015 xuống 4,4% từ mức 4,8% đưa ra đầu năm nay, và hạ dự báo cho năm 2016 xuống 5,2% từ mức 5,3% trước đó.

Đối với các thị trường đang phát triển lớn, WB đánh giá Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 7,1%. Năm nay, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,5% và đây sẽ là năm đầu tiên Ấn Độ dẫn đầu các nền kinh tế lớn trên biểu đồ tăng trưởng của WB.

Brazil hiện đang bị ảnh hưởng bởi mức độ lòng tin thấp do tai tiếng về vụ hối lộ và lạm phát cao, dự kiến tăng trưởng âm 1,3% trong năm 2015. Còn Nga dự kiến sẽ ghi nhận GDP giảm 2,7% do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt.

Với nhiều nhận định bi quan, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 7/2015 cũng đã hạ dạ báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự báo mức tăng của các nước này trong năm nay đạt 4,2%.

Các nước đang phát triển gặp khó trong năm 2015 - Ảnh 1Triển vọng kinh tế thế giới. Nguồn: IMF, tháng 7/2015

Các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng nhận định, sự sụt giảm tăng trưởng vẫn kéo dài tại nhiều nước đang phát triển do thiếu hụt các dịch vụ trong nông nghiệp, ngành điện, giao thông, kết cấu hạ tầng và các dịch vụ kinh tế cơ bản khác. Chính vì vậy mà tái cơ cấu càng trở nên cấp thiết.

Cụ thể hơn về tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển, Ngày 16/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo cập nhật về "Triển vọng Phát triển châu Á 2015". Trong đó, ADB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển tại châu Á (năm 2015 và năm 2016) từ mức ước tăng 6,3% xuống lần lượt là 6,1% và 6,2%. ADB cho rằng kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á.

ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á từ mức 4,9% xuống còn 4,6% trong năm 2015, do những diễn biến kinh tế kém khả quan của các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Đối với khu vực Nam Á, nhịp độ tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ lần lượt ở mức 7,3% và 7,6% trong năm 2015 và 2016, trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh và kinh tế Bangladesh khởi sắc đã bù đắp cho những thiệt hại kinh tế sau trận động đất ở Nepal.

Tại Trung Á, nhịp độ tăng trưởng dự kiến được giữ nguyên ở mức 3,5% trong năm 2015 nhưng trong năm 2016 ước giảm xuống 4,2% (từ mức 4,5% đưa ra trước đó), do chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế tại Nga và giá hàng hóa toàn cầu xuống thấp.

ADB cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức 7% trong năm 2015 và 6,8% trong năm 2016, từ mức ước tăng lần lượt là 7,2% và 7% đưa ra trước đó, do đầu tư giảm, đồng thời lĩnh vực tài chính cũng sẽ đóng góp ít cho tăng trưởng do những diễn biến bất ổn gần đây trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.