IMF cảnh báo: Hy Lạp cần khoản cứu trợ lớn hơn

Theo Ngọc Tiến/thoibaonganhang.vn

Các chủ nợ thuộc EU sẽ cần phải triển khai thêm các khoản cứu trợ tài chính lớn hơn cho Hy Lạp để giúp "xứ sở thần thoại" có thể ổn định tình hình tài chính trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: telegraph.co.uk
Ảnh minh họa. Nguồn: telegraph.co.uk

Nhận định này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận với lãnh đạo các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) về gói cứu trợ mới cho Athens tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra hồi trung tuần tháng 7.

Trong một nghiên cứu cập nhật về tình hình Hy Lạp đưa ra ngày 14/7, IMF nhận định, gánh nặng về nợ của quốc gia này trong thập kỷ tiếp theo sẽ lớn hơn nhiều so với ước tính của EU đưa ra cách đây hai tuần.

Theo đó, IMF dự báo nợ công của Hy Lạp sẽ tương đương khoảng 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp trong năm tới, tăng hơn 20% so với ước tính trước đó, một phần là do nền kinh tế tiếp tục suy thoái trong năm nay. Đến năm 2022, nợ công của Hy Lạp dự báo sẽ tương đương 170% GDP, thay vì mức dự báo 142% trước đó.

Do vậy, IMF đánh giá cơ cấu nợ hiện tại của Hy Lạp là "không bền vững" và quốc gia này cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro (94,6 tỷ USD) vừa đạt được với các nhà lãnh đạo Eurozone để có thể duy trì nền kinh tế ổn định.

Trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao giấu tên của IMF cho biết, thể chế tài chính này đang tìm kiếm thêm nhiều thông tin đảm bảo kế hoạch cứu trợ mới vừa đạt được sẽ giúp Hy Lạp ổn định tình hình tài chính trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, IMF sẽ tham gia gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp nếu các đối tác EU triển khai một kế hoạch "cụ thể" và "bền vững", nhằm đảm bảo cho Athens có thể thanh toán các khoản nợ trong dài hạn.

Theo quan chức trên, EU cần gia hạn thời gian thanh toán nợ cho Hy Lạp trong vòng 30 năm để họ có thời gian giảm dần gánh nặng nợ nần, cũng như phần nào phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, IMF quy định không cung cấp các khoản vay cho một nước nếu tình trạng nợ công của nước này không được đánh giá là "bền vững".

Cuối tuần qua, IMF đã gửi tới các nhà lãnh đạo EU một bản phân tích, trong đó dự báo Hy Lạp sẽ không bao giờ có thể thanh toán các khoản nợ, nếu liên minh này không triển khai các biện pháp "mạnh mẽ" trong chương trình cứu trợ mới để cắt giảm gánh nặng nợ. IMF đã đề xuất ba sự lựa chọn: hoặc là gia hạn thời gian chi trả cho Hy Lạp trong vòng 30 năm; chuyển tiền mặt theo định kỳ cho chính quyền Athens để trả nợ; hoặc xóa một phần số nợ hiện tại cho "xứ sở thần thoại".

Trước đó, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, các nhà lãnh đạo 19 nước Eurozone đã nhất trí cung cấp gói cứu trợ thứ 3 trị giá tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp, đổi lại Athens phải chấp thuận các biện pháp cải cách khắc khổ mà khối này yêu cầu.

Mặc dù đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới, song Hy Lạp đã không thanh toán được khoản vay 456 triệu euro cho IMF đáo hạn ngày 13/7. Đây là lần thứ hai Hy Lạp lỡ hạn chót thanh toán nợ cho IMF, sau khi không trả được khoản vay 1,5 tỷ euro đáo hạn hôm 30/6 vừa qua.