Các quỹ đầu tư toàn cầu ồ ạt đổ vào chứng khoán Trung Quốc
Sự bất ổn của thị trường toàn cầu và việc kinh tế dần phục hồi đã giúp chứng khoán Trung Quốc thu hút được các nguồn vốn từ nước ngoài, trong khi một số chiến lược gia coi đây là một xu hướng dài hạn.
Ông Todd Willits, người đứng đầu công ty EPFR Global cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra rằng rất nhiều nhà quản lý nước ngoài trên toàn cầu đang tái cơ cấu lại tài sản của họ trong tình trạng thị trường hỗn loạn. Xu hướng phân bổ sang Trung Quốc đang ngày càng tăng lên".
Khi chứng khoán Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm hồi tháng 3/2020, 800 quỹ đầu tư quản lý với gần 2.000 tỷ USD đã phân bổ 1/4 danh mục vào chứng khoán Trung Quốc, theo dữ liệu từ EPFR. Những khoản tiền này đã tăng lên 20% so với một năm trước, và khoảng 17% so với 6 năm trước.
Trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch toàn cầu, chính phủ nhiều nước đã áp đặt các lệnh phong toả và hạn chế các hoạt động kinh doanh sản xuất. Điều này đã khiến thị trường tài chính lao dốc vì lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm các nhà đầu tư.
Chứng khoán Mỹ đã phục hồi đáng kể từ mức thấp trong tháng 4. Mặc dù vậy, chứng khoán Trung Quốc đã tăng tương đối tốt. Từ đầu năm, chỉ số Shanghai Composite hiện chỉ giảm 5,2%, so với mức giảm 11,1% của S&P 500 tính đến chốt phiên hôm thứ Ba.
Theo dữ liệu của EPFR, các quỹ đầu tư chuyên về thị trường Trung Quốc đã bán ra để đáp ứng yêu cầu mua lại hoặc nhu cầu tiền mặt của khách hàng trong những tuần gần đây.
EPFR cho rằng, các quỹ đầu tư ở một số khu vực đang duy trì phân bổ nguồn lực cho thị trường Trung Quốc từ các thị trường khác, như một cách để đạt mục tiêu hoàn vốn đầu tư tổng thể.
Đối với các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi trên toàn cầu, mức phân bổ trung bình cho Trung Quốc đang là 34%. Trong khi đó, các quỹ đầu tư vào chứng khoán châu Á trừ Nhật Bản, hiện có mức phân bổ tại Trung Quốc là 38%.
Rủi ro từ căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng leo thang. Điều này đã khiến Mỹ gia tăng áp lực chính trị nhằm hạn chế nguồn vốn đầu tư của nước này vào các công ty Trung Quốc.
Không chỉ vậy, những vụ việc xảy ra vào tháng trước một lần nữa cảnh báo về mức độ rủi ro khi các nhà đầu tư rót vốn vào các hoạt động kinh doanh gian lận, bất hợp pháp nằm ngoài quyền tài phán của chính phủ Mỹ.
Luckin Coffee, một công ty vận hành chuỗi cửa hiệu cà phê ở Trung Quốc và có cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq, đã thừa nhận báo khống khoảng 314 triệu USD doanh thu. Giá cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm hơn 80% trước khi bị đình chỉ giao dịch.
Mặc dù vậy, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc vẫn ở mức cao, ngay cả ở Mỹ.
Vào thứ Sáu tuần trước, Kingsoft Cloud đã trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên phát hành công khai lần đầu tại Mỹ kể từ sau vụ bê bối Luckin Coffe khiến các hoạt động niêm yết bị trì hoãn.
Cổ phiếu của Kingsoft Cloud đã tăng hơn 40% trong ba ngày giao dịch kể từ đó và công ty điện toán đám mây này đã đạt được mức định giá 5 tỷ USD.
Để hạn chế rủi ro từ căng thẳng Mỹ-Trung đối với các cổ phiếu của Trung Quốc niêm yết tại New York, các chiến lược gia của Morgan Stanley lưu ý rằng, các nhà đầu tư nên nắm giữ cổ phiếu hạng A niêm yết ở Trung Quốc, thay vì tập trung vào các cổ phiếu của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Cổ phiếu hạng A được định giá bằng đồng Nhân dân tệ và giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.