Các sàn giao dịch tiền điện tử lớn trên toàn cầu cạnh tranh ra sao?
Trong khi sàn giao dịch Bitpanda củng cố vị thế của mình tại châu Âu và Coinbase trở thành gã khổng lồ tài chính phố Wall, thì Binance cố gắng từng bước vươn tới các thị trường vốn đang bị “tẩy chay”.
Bitpanda hoá "kỳ lân" tại châu Âu
Sàn giao dịch tiền điện tử Bitpanda, ra đời từ năm 2014, có trụ sở tại Áo, đã đạt được vị thế "kỳ lân" của mình với mức định giá 1,2 tỷ USD ,trong vòng huy động Series B khi thu được 170 triệu USD hồi tháng 3. Tiếp theo là một phần mở rộng Series B trị giá 10 triệu Euro khác vào tháng 5. Tại vòng mới nhất này, Bitpanda đã huy động được thêm 263 triệu USD, nâng định giá công ty tăng hơn gấp 3 lần trước đó lên 4,7 tỷ USD. Tất cả được dẫn dắt bởi Valar Ventures do Peter Thiel dẫn đầu. Các nhà đầu tư khác bao gồm Alan Howard và REDO Ventures, cùng với LeadBlock Partners và Jump Capital cũng tham gia Series C.
Bitpanda cho biết, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn Series C để mở rộng và tăng trưởng quốc tế. Đồng thời sẽ tăng số lượng nhân viên và mở rộng quy mô kinh doanh hơn nữa. Người phát ngôn của Bitpanda bày tỏ rằng: “Việc mở rộng và tăng trưởng quốc tế là ưu tiên hàng đầu, nhằm củng cố vị thế của Bitpanda tại các thị trường hiện tại - chẳng hạn như trong khu vực Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Ba Lan, cùng với đó là thâm nhập vào các thị trường mới, chẳng hạn như Vương quốc Anh hoặc các thị trường ở Trung và Đông Âu".
Đối tác sáng lập của Valar Ventures, Andrew McCormack cũng nhấn mạnh sự phát triển của Bitpanda trong dự báo tiềm năng của công ty. Cụ thể, McCormack đã chỉ ra rằng, Bitpanda đã có hơn 1,2 triệu người dùng trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng doanh thu ròng ấn tượng và thuê giám đốc điều hành đẳng cấp thế giới.
Mặc dù cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu với các sàn giao dịch tiền điện tử khác, Bitpanda đã đạt được sự tăng trưởng này bằng cách thực hiện một cách tiếp cận khác biệt hơn, khi chỉ tập trung vào thị trường châu Âu, với các văn phòng và trung tâm công nghệ vật lý nằm rải rác trên 8 thành phố của châu Âu. Các địa điểm này bao gồm Barcelona, Berlin, Krakow, London, Madrid, Milan và Paris, ngoài trụ sở chính tại Vienna.
Ngoài ra, Bitpanda còn cho phép khoảng 3 triệu người dùng đầu tư vào kim loại quý và cổ phiếu. Tuy nhiên, tính năng này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và giao dịch tiền điện tử vẫn là lựa chọn ưu tiên cho người dùng hiện tại của công ty. Sàn giao dịch cũng mở rộng sang thị trường B2B vào tháng 6, cung cấp một nền tảng cho phép các công ty Fintech và ngân hàng khác có thể giao dịch cho khách hàng của chính họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, nhà đồng sáng lập Bitpanda và đồng Giám đốc điều hành Eric Demuth chia sẻ: “Đợt chào bán cổ phiếu có thể sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay. Sau khi củng cố sự phổ biến của nó đối với người dùng tiền điện tử, dịch vụ mới sẽ đưa nền tảng này lên cùng môi trường với các ứng dụng giao dịch chứng khoán rất thành công như Robinhood”.
Định giá lớn, rủi ro cao
Tương tự như Bitpanda, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase hiện đang là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Được thành lập tại San Francisco vào năm 2012, Coinbase cho phép mọi người và các công ty mua và bán các loại tiền kỹ thuật số khác nhau, bao gồm Bitcoin, Ether và các đồng altcoin. Kể từ khi niêm yết chính thức trên sàn gia dịch NASDAQ, Coinbase đã trở thành một gã khổng lồ tài chính ở Phố Wall.
Với mức định giá 86 tỷ USD giá trị thị trường, Coinbase cũng vượt qua giá trị của các sàn giao dịch chứng khoán mà cổ phiếu của nó sẽ giao dịch như: vốn hóa thị trường của Nasdaq là 26 tỷ USD, trong khi ICE, công ty mẹ của NYSE, được định giá 67 tỷ USD và giá trị thị trường của Goldman Sachs là 111 tỷ USD.
Tuy nhiên, Coinbase cũng có những rủi ro khổng lồ. Mặc dù được hưởng lợi rất nhiều từ sự gia tăng giá của tiền điện tử trong thời gian gần đây, nhưng công ty đã cảnh báo trong bản cáo bạch rằng: “Mọi hoạt động kinh doanh phụ thuộc đáng kể vào giá tài sản tiền điện tử và khối lượng giao dịch được thực hiện trên nền tảng của chúng tôi”.
Theo thông tin mới nhất, Coinbase đã tích trữ một lượng tiền mặt trị giá khoảng 4 tỷ USD để chuẩn bị cho khối lượng giao dịch bán lẻ tiền điện tử và chi phí hoạt động cao hơn do các rào cản pháp lý, bao gồm cả việc tuân thủ các quy định mới do cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đưa ra .
Giám đốc tài chính Coinbase, Alesia Haas nói với Wall Street Journal rằng, không có bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với sàn giao dịch hoặc ngành công nghiệp buộc sàn giao dịch phải xây dựng dự trữ tiền mặt của mình, nhưng tốt nhất là nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, khi mọi thứ vẫn ổn. Công ty đã tiến hành các bài kiểm tra căng thẳng để đảm bảo có thể đáp ứng các chi phí tuân thủ, các cuộc tấn công mạng hoặc sự sụt giảm giao dịch có thể xảy ra.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, chúng tôi duy trì các khoản dự trữ tiền mặt đó để có thể tiếp tục đầu tư và tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ của mình trong trường hợp chúng tôi bước vào mùa suy thoái của tiền điện tử”, Alesia Haas nói.
Cái tên nổi bật khác trong đế chế tiền điện tử đó là sàn giao dịch Binance của Trung Quốc, cũng được coi là một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Coinbase, đã bắt đầu tích trữ một quỹ khẩn cấp tương tự từ năm 2019. Tuy nhiên, quỹ Binance Secure Asset Fund cho người dùng (SAFU) nhằm bồi thường cho người dùng vì vi phạm bảo mật và các vấn đề khác liên quan đến an ninh mạng.
Một chuyên gia nghiên cứu tiền điện tử cho rằng, giá trị của Binance đã tăng gấp 6 lần, kể từ khi nó vượt qua Coinbase để trở thành sàn giao dịch phổ biến nhất. Tiền điện tử gốc của Binance Smart Chain, Binance Coin (BNB) cũng tăng vọt với khối lượng giao dịch đáng kể.
“Với vai trò là người dùng, Binance là một sàn giao dịch hoàn chỉnh hơn nhiều khi họ có Launchpad, Earn, Staking, Cloud, Dex, Futures,... Nếu bỏ qua các vấn đề hỗ trợ, thì Binance đáng giá hơn Coinbase rất nhiều”, vị chuyên gia cho biết.
Hiện nay, Binance đang bị hạn chế tại nhiều quốc gia, châu lục, liên quan đến các vấn đề pháp lý. Có thể hiểu rằng, sức cạnh tranh của mỗi sàn giao dịch tại mỗi khu vực là khác nhau. Với lợi thế vững mạnh và chuyên nghiệp tại châu Âu, Bitpanda đã từng bước củng cố vị thế của mình. Riêng Coinbase chiếm ưu thế đắc địa tại trung tâm tài chính thế giới với nguồn lực dồi dào; thì Binance đang chiếm sóng ở khu vực châu Á và đang tìm mọi cách để vươn mình đến các khu vực khác, qua hàng loạt động thái hợp tác, hoà giải với các cơ quan quản lý.
Sự lớn mạnh và định giá khủng của các sàn giao dịch điện tử top đầu thế giới cho thấy mặc dù bị "kìm kẹp", thị trường tiền điện tử vẫn đã và đang là khu vực có thể mang đến những "kỳ lân". Đây là một chỉ dấu thành tựu của thời đại giao dịch tài sản số trong kỷ nguyên số hay ngược lại, chỉ là một giai đoạn "lên đồng" nhất thời của các nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm những tài sản đầu tư thay thế?