Các thông tin vĩ mô ảnh hưởng thế nào đến thị trường thời gian tới
(Tài chính) Các thông tin mang tính trái chiều và cho thấy nền kinh tế đang duy trì sự ổn định, kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường về sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 vẫn đang được đáp ứng và tiếp tục nuôi dưỡng.
Báo cáo tuần của Công ty chứng khoán (CTCK) Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá tuần qua dòng tiền không còn tập trung cục bộ tại một vài mã cổ phiếu vốn hóa lớn như trước mà đã có sự xoay vòng và phân bổ đồng đều giữa các dòng cổ phiếu. Trong đó, tâm điểm của thị trường vẫn là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh quý II khả quan.
Trong tuần, nhiều thông tin kinh tế vĩ mô quan trọng tiếp tục được hé lộ, trong đó có các thông tin đáng chú ý như sau:
Luật Phá sản (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Phá sản (sửa đổi) và loại bỏ một số quy định dự kiến bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản. Những luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015. Tuy nhiên, các quy định được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong hai văn bản luật này đã không được thông qua khiến cho cơ hội mua nợ của các nhà đầu tư nước ngoài của VAMC đã gần như khép lại. Cụ thể:
Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ, theo đó các chủ nợ đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Điều này gây khó khăn cho việc quyết định số phận của con nợ khi thật khó để tìm tiếng nói chung và sự đồng thuận hoàn toàn đối với tất cả các chủ nợ.
Trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng và Chính phủ dự định cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất từ chủ đầu tư các dự án bất động sản xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê và cho thuê mua.
Tuy nhiên, khi đưa ra thẩm định, quy định trên không phù hợp với Luật Đất đai vì theo luật này, tổ chức, cá nhân người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn Việt kiều chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, ....
Do vậy, nếu muốn tham gia thị trường bất động sản, nhà đầu tư ngoại phải liên doanh với doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam để các tổ chức, cá nhân người Việt đứng ra mua lại các khoản nợ đó.
Như vậy, VAMC dù rất muốn bán nợ cho các tổ chức nước ngoài nhằm khơi thông dòng vốn, nhưng vì vướng hành lang pháp lý, cũng không thể đẩy nhanh được đầu ra. Đứng từ góc độ thị trường chứng khoán, vấn đề giải quyết nợ xấu chưa có tiến triển mang tính đột phá cũng đã được thị trường nhìn nhận từ khá lâu, theo đó những thông tin trên nhiều khả năng sẽ không có nhiều tác động lên thị trường.
Tăng trưởng tín dụng tính đến 2/7/2014 đạt 3,6%
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 2/7/2014, tăng trưởng tín dụng chung mới chỉ đạt khoảng 3,6% so với đầu năm. Tuy có sự gia tốc mạnh như kỳ vọng trước đó và cải thiện đáng kể từ con số 1,31% tại thời điểm 23/05/2014 nhưng kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm 2013 (+4,7% ytd).
Việc tín dụng chưa được đẩy mạnh trong bối cảnh lãi suất tiếp tục xu hướng giảm có thể do nhu cầu đi vay của doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 của Tổng cục thống kê (tiến hành từ ngày 01/01/2014 đến 30/04/2014 trên 8.100 doanh nghiệp), 50,5% số doanh nghiệp được khảo sát không vay vốn ngân hàng với nguyên nhân chủ yếu là không có nhu cầu vay.
Ở khía cạnh tích cực hơn, hoạt động cho vay ở các ngân hàng lớn có dấu hiệu khởi sắc, Vietcombank (VCB) là ví dụ điển hình.
Tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng của VCB đã đạt 6,6% ytd, tăng mạnh từ mức 3,16% ytd của 5T2014.
Theo VCBS, nhờ liên tục giảm lãi suất huy động trong thời gian qua cùng với các nguồn huy động giá rẻ khác, VCB đã thúc đẩy tín dụng thông qua các gói cho vay lãi suất thấp. Trong đó, tăng trưởng tín dụng riêng ở 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt trên 8%, chiếm gần 50% cơ cấu tổng dư nợ, đây là lĩnh vực có trần cho vay chỉ 8%/năm.
Ngoài ra, VCBS cho rằng giải ngân cho các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực điện lực, xăng dầu cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tín dụng của VCB. Các dự báo cụ thể về các chỉ số tài chính khác của VCB sẽ được chúng tôi cập nhật ở các báo cáo sắp tới.
PMI trên ngưỡng 50 điểm trong 9 tháng liên tiếp
Chỉ số PMI - HSBC tháng 6 của Việt Nam đạt 52,3, giảm nhẹ so với con số 52,5 của tháng 5. Tuy vậy, con số này vẫn khá cao trên ngưỡng 50 cho thấy khu vực sản xuất của nước ta tiếp tục được mở rộng, dù tốc độ có chậm lại đôi chút. Điều này chủ yếu là do sự tăng trưởng yếu đi của sản lượng đầu ra và số đơn đặt hàng mới.
Các doanh nghiệp đã ghi nhận việc tăng giá đầu ra trước sức ép từ việc chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là do hiệu ứng của việc thắt chặt kiểm soát trọng lượng xe tải.
Tuy nhiên, theo VCBS, động thái này có lẽ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khối FDI, trong khi đó các doanh nghiệp nội địa được nhìn nhận sẽ vẫn khó khăn do việc điều chỉnh giá đầu ra là không đơn giản trong bổi cảnh sức cầu trong nước yếu. Như vậy, theo VCBS, việc PMI trên 50 mặc dù cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục mở rộng nhưng vẫn sẽ có sự phân hóa khá rõ rệt với sự nổi bật của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là khối FDI.
PMI tháng 6 của khu vực EU, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã hồi phục mạnh mẽ so với các tháng trước khi các nước này đã chứng kiến sự thu hẹp của khu vực sản xuất trong nhiều tháng liên tiếp. Theo đó, việc hồi phục của sản xuất nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung của các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo nền tảng để Việt Nam phát triển thương mại và đầu tư đồng thời cũng hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Các thông tin trên mang tính trái chiều và cho thấy nền kinh tế đang duy trì sự ổn định, kỳ vọng của nhà đầu tư và thị trường về sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 vẫn đang được đáp ứng và tiếp tục nuôi dưỡng. Tuy nhiên cùng với đó, nhiều khó khăn và vấn đề vẫn còn tồn tại, như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu, căng thẳng ở biển Đông… là những rủi ro cần phải cân nhắc và có thể sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2014.