Các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính

Theo tapchithue.com.vn

Ngày 15/3/2017, Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 43/2016/TT-NHNN (Thông tư 43) quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là hai văn bản quan trọng, được kỳ vọng với những khuôn khổ pháp lý mới sẽ tạo bước đột phá về cơ chế cho vay, đảm bảo minh bạch và vì quyền lợi của khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đơn giảm hóa các thủ tục cho vay...

Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ nói hai văn bản trên được cho là quan trọng vì ngoài việc điều chỉnh hoạt động tín dụng - vốn mang lại hơn 70% nguồn thu của các TCTD và tác động đến phần lớn khách hàng, thì các văn bản này còn liên quan tới một số quy định trong những bộ luật quan trọng như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2015…

Do đó, việc ban hành các thông tư này nhằm đưa luật vào cuộc sống. “Đây cũng là lý do vì sao hai thông tư này được giá sẽ tạo cú hích mới về cơ chế cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng nhằm đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của khách hàng” -  ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế  Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo đó, ngoài việc điều chỉnh hàng loạt nội dung liên quan tới việc cho vay giữa TCTD và khách hàng như: lãi suất, thời hạn vay vốn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn… Thông tư 39 còn giúp hoạt động cho vay giữa các TCTD và khách hàng ngày càng minh bạch hơn, góp phần vào việc nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế. Theo đó, 2 thông tư này đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay, bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng tại hồ sơ đề nghị vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39, Thông tư 43 có quy định cụ thể về trách nhiệm của TCTD khi thực hiện hoạt động cho vay. Cụ thể, Thông tư 39 đã yêu cầu TCTD phải cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay, như: Lãi suất cho vay; thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay.

Đồng thời, quy định việc thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, Thông tư 43 quy định công ty tài chính ban hành khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ. Trong đó, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số nợ gốc, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng. Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng vay, Thông tư 39 quy định rõ, TCTD phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD; cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.

Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, Thông tư 43 quy định một số nội dung tối thiểu phải có trong quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó phải có nội dung về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

... và khắc phục những bất cập phát sinh

Ngoài việc chủ động rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN, hai thông tư này còn được đánh giá đã khắc phục được khá nhiều vướng mắc, bật cấp phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD. Điển hình như mục đích vay vốn, theo quy chế cho vay tại Quyết định số 1627/2001/QĐ- NHNN (Quy chế cho vay 1627), mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống.

Nay Thông tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế trước đây mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Từ đó, Thông tư 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng phù hợp với đặc điểm riêng của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ). Với những nhu cầu vốn không được cho vay, Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ và quy định cụ thể một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thực tiễn. 

Cùng những điều chỉnh trên, Thông tư 39 còn bổ sung một số phương thức cho vay cho phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng (như cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn, cho vay lưu vụ). Trong đó, một số phương thức cho vay được quy định chặt chẽ và có điều kiện áp dụng, như phương thức cho vay tuần hoàn, chỉ áp dụng đối với khoản vay ngắn hạn và khách hàng không có phát sinh nợ xấu...

Đồng thời, chỉnh sửa quy định về một số phương thức cho vay cho phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước như cho vay thấu chi tài khoản thanh toán để thực hiện các dịch vụ thanh toán trên tài khoản; bổ sung thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng (không quá 1 năm) đối với phương thức cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng.