Lãi suất dưới tác động trong, ngoài nước
Mặt bằng lãi suất tiếp tục chịu áp lực với những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng với rủi ro về tỷ giá.
Từ cuối năm 2016, đã có nhiều dự báo lãi suất trong năm 2017 sẽ rất khó có điều kiện thuận lợi để giảm, thậm chí khả năng tăng còn nhiều hơn. Nhưng thông điệp từ Chính phủ vẫn mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất, từ đó giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.
Đó là mục tiêu cố gắng, cũng là bài toán hóc búa của ngành ngân hàng năm 2017. Song phải nhìn nhận một thực tế, lãi suất ngân hàng vẫn đang nằm giữa những yếu tố tác động, cũng là thách thức không nhỏ cả trong và ngoài nước.
Kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp, tương đương như năm 2016 do tổng cầu yếu. Cùng với đó ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu do quy mô nợ (cả nợ tư nhân và nợ Chính phủ) ở các nước phát triển cũng như đang phát triển đã vượt qua giới hạn an toàn.
Chính bởi vậy, theo TS. Vũ Đình Ánh, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới có xu hướng đảo ngược, từ nới lỏng với lãi suất bằng không, thậm chí lãi suất âm sang từng bước thắt chặt, tăng lãi suất nhằm hạn chế cung tiền, ngăn chặn lạm phát.
Chia sẻ thêm, TS. Ánh cũng cho rằng giá trị của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới theo đó sẽ biến động mạnh với xu hướng tăng lên, nhưng mức độ tăng không đồng đều do sự khác biệt về vị thế, mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình trạng tài chính tiền tệ của mỗi quốc gia trước sự nổi lên của USD ngày càng rõ rệt so với các đồng tiền khác.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank, mặt bằng lãi suất tiếp tục chịu áp lực với những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng với rủi ro về tỷ giá. Cơ quan này cũng cho rằng lãi suất sẽ rất khó giảm thêm trong năm 2017.
Ở một góc độ khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng tác động của đồng USD với lãi suất trên thị trường Việt Nam chủ yếu thông qua nguồn vốn vào ra và tỷ giá. Theo đó, vốn vào Việt Nam nhiều nhất là để đầu tư dài hạn, trong khi đó dòng tiền quay trở về Mỹ để đón xu hướng tăng lãi suất là dòng tiền ngắn hạn. Nên tác động của Mỹ nếu tăng lãi suất tác động lên dòng vốn vào Việt Nam cũng chưa hẳn nhiều.
Kinh tế thế giới năm 2017 sẽ diễn biến rất khó lường, nhiều nước áp dụng chính sách phá giá đồng tiền nên theo Thống đốc ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ phải thận trọng, linh hoạt để đảm bảo hài hoà mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra mức cao hơn. Đặc biệt khi ngân sách khó khăn, chính sách tiền tệ phải đặt mục tiêu linh hoạt, hỗ trợ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên điều hành lãi suất phải linh hoạt, đảm bảo ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như Chính phủ chỉ đạo.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn ở mức cao (18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng, lạm phát chịu áp lực gia tăng - tạo cơ sở tăng lãi suất danh nghĩa. Chưa kể với việc FED dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2017 khiến ngân hàng Nhà nước phải duy trì một biên độ rộng hợp lý cho lãi suất VND với USD.
Theo thông tin ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong những ngày đầu tháng 1/2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động trong khoảng 0,1 - 0,3%/năm. Tuy nhiên sự điều chỉnh này chủ yếu chỉ xảy ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ chứ không phải là xu hướng chung.
Mặt bằng lãi suất huy động thời điểm này phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay ghi nhận ở mức 6 - 7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn…
Như vậy có thể thấy, tính đến thời điểm này, với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định, gần như không có sự đột biến.
Đứng trước nhiều sức ép, thời gian tới, ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.