Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn vay của hộ nghèo tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
Bằng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp từ 300 hộ nghèo tại 10 xã và thị trấn Cầu Kè (tức 11 địa bàn) tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, thông qua phương pháp hồi quy nhị phân, nghiên cứu đã tìm ra được các yếu tố như: Diện tích đất, thu nhập, tổng số thành viên, phương án vay… có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận vốn vay hộ nghèo tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhất định cho người nghèo, các chương trình tín dụng chính sách cũng đã triển khai rộng rãi nhưng số vốn đến tay người nghèo chiếm tỷ lệ còn hạn chế so với nhu cầu. Đây cũng là vấn đề mang tính thời sự đang được Chính phủ và người dân quan tâm.
Cầu Kè là một trong những huyện nghèo của tỉnh Trà Vinh, có nhiều đồng bào dân tộc Khmer và tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, người nghèo trên địa bàn huyện Cầu Kè gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, nguyên nhân chính là do đa số hộ nghèo không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn của ở các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hộ nghèo không biết cách làm ăn, sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến đã nghèo lại nghèo thêm; Số tiền ngân hàng cho vay còn ít và chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, điều kiện đi lại khó khăn... Từ thực tế trên, bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng việc tiếp cận vốn vay của người nghèo tại NHCSXH huyện Cầu Kè, Chi nhánh tỉnh Trà Vinh, mối quan hệ vay vốn giữa hộ nghèo với ngân hàng có liên quan nhằm đưa ra hàm ý chính sách, từ đó nâng cao tiếp cận vốn vay của người nghèo tại NHCSXH huyện Cầu Kè.
Lược khảo tài liệu
Aliou (1999) tại nghiên cứu “Các yếu tố quyết định tiếp cận hộ gia đình và tham gia vào các thị trường tín dụng chính thức và phi chính thức ở Malawi” đã sử dụng mô hình hồi quy Tobit kết hợp mô hình lựa chọn Heckman. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, diện tích đất là nhân tố quan trọng và quyết định khả năng tiếp cận tín dụng không chính thức của nông hộ. Trong nghiên cứu “Tiếp cận tín dụng của hộ nghèo ở Nam Phi” Okurut (2006) đã kết luận rằng, tuổi, giới tính, chủng tộc, diện tích đất, số thành viên của hộ, chi tiêu bình quân của hộ là những nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của hộ nghèo ở Nam Phi.
Tại Việt Nam, Nguyễn Thanh Lan và cộng sự (2018) với bài viết “Tiếp cận các khoản vay ưu đãi cho giảm nghèo và phát triển nông thôn: Bằng chứng từ Việt Nam” (Tạp chí Kinh tế số 52, tháng 03/2018) đã tìm ra yếu tố liên quan đến sắc tộc có ảnh hưởng biên lớn nhất đến việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi.
Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hùng và cộng sự (2015) “Đánh giá hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo tại huyện Trà Cú: Đánh giá từ phía người vay” đã chỉ ra rằng, các biến trình độ học vấn, giới tính chủ hộ, số người phụ thuộc trong hộ, thu nhập trung bình một năm của hộ, chi tiêu trung bình một năm của hộ và cuối cùng là biến đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ảnh hưởng đến số tiền vay từ NHCSXH của hộ nghèo...
Ngoài ra, Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy (2010) với nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” đã tìm ra các nhân tố có ảnh hưởng đến khả năng TCTD của nông hộ bao gồm: trình độ học vấn của chủ hộ, tuổi của chủ hộ, số thành viên trong gia đình, diện tích đất của hộ, khả năng đi vay từ các nguồn không chính thức, thu nhập của hộ và tổng tài sản của hộ.
Phương pháp nghiên cứu
Mô hình đề xuất được nhóm tác giả dựa trên nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy (2010), Vương Quốc Duy (2015).
Mô hình có dạng như sau:
Y = βo + β1X1 + β2X2+ β3X3…. + β11X11 + u
Trong đó Y là biến giả có giá trị bằng 1 cho hộ nghèo có tiếp cận được vốn vay tại NHCSXH, bằng 0 là hộ nghèo không tiếp cận được vốn vay tại NHCSXH.
Xi là các biến độc lập (biến giải thích);
βi là các tham số hồi quy;
u là sai số ngẫu nhiên.
Bằng phương pháp hồi quy nhị phân, qua khảo sát 300 hộ nghèo, có 166 hộ có phương án vay vốn sản xuất kinh doanh cụ thể, chiếm 55,3%; Đồng thời, có 134 hộ không có phương án cũng như sự đầu tư và tâm huyết vào việc sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả nên việc tiếp cận vốn vay chỉ chiếm 44,7%. Điều này chứng tỏ, hộ nghèo có phương án vay vốn có khả năng tiếp cận vốn vay tại NHCSXH cao hơn 10,6% so với hộ không có phương án vay vốn.
Kết quả nghiên cứu
Sử dụng kiểm định Wald, khi mức ý nghĩa của hệ số hồi quy từng phần có mức độ tin cậy ít nhất 95% hay Sig.<0,05 thì giả thuyết H0 bị bác bỏ, tức là tương quan có ý nghĩa thống kê giữa biến độc lập đó và biến phụ thuộc.
Kết quả kiểm định cho thấy, có 5 biến độc lập tương quan có ý nghĩa thống kê với biến phụ thuộc TIEPCAN là DTDAT, THUNHAP, TTVTHGD, NGHENGHIEP, PANVAY. Dựa vào cột mức ý nghĩa Sig. của kiểm định Wald cho thấy:
Diện tích đất: Biến DTDAT có Sig. = 0,010 < 0,05. Do đó, biến DTDAT tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TIEPCAN. Thu nhập: Biến THUNHAP có Sig. = 0,000 < 0,05. Do đó, biến THUNHAP tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TIEPCAN. Tỷ lệ phụ thuộc: Tổng thành viên trong hộ gia đình: Biến TTVTHGĐ có Sig.=0,104 >0,05. Do đó, biến TTVHGĐ tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TIEPCAN. Biến NGHENGHIEP có Sig.=0,105. Do đó, biến NGHENGHIEP tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TIEPCAN. Phương án vay vốn: Biến PANVAY có Sig. = 0,029 > 0,05. Do đó, biến PANVAY tương quan có ý nghĩa với biến phụ thuộc TIEPCAN. Các biến như: Tham gia hội đoàn, dân tộc, phụ thuộc không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cầu Kè
Dựa vào kết quả mô hình nghiên cứu định lượng cho thấy, thu nhập có tác động cùng chiều với tiếp cận vốn vay tại NHCSXH góp phần nâng cao khả năng trả nợ, do đó nếu thu nhập bình quân của chủ hộ càng cao thì khả năng trả nợ của hộ sẽ tăng, hộ gia đình sẽ dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng hơn. Vì vậy, các hộ gia đình tại huyện Cầu Kè cần chủ động nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, Chính quyền địa phương cần quan tâm và hỗ trợ để hộ gia đình có biện pháp tăng năng suất trên một đơn vị diện tích hoặc đối với lao động lớn tuổi cần đào tạo các kỹ thuật chăm sóc lúa, cây ăn quả… để có thể làm thêm cho các đơn vị cần lao động. Riêng đối với lao động trẻ có hướng đào tạo chuyển đổi sang ngành nghề lao động phi nông nghiệp.
Tổng thành viên trong hộ gia đình có ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp cận vốn vay của hộ nghèo tại NHCSXH huyện Cầu Kè. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho người nghèo nói chung và hộ nghèo nói riêng. Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của hộ nghèo, hộ gia đình nên tận dụng sử dụng lực lượng lao động trong thành viên gia đình để tham gia lao động sản xuất nhiều hơn, qua đó giảm được chi phí thuê mướn tiết kiệm chi phí cũng như chi tiêu hộ gia đình để thoát nghèo bền vững.
Để nâng cao tiếp cận vốn vay tại NHCSXH, hộ nghèo tuyệt đối không sử dụng số tiền vay không đúng mục đích ghi trong hồ sơ vay vốn, dùng số tiền vay đi tiêu dùng hoặc trả nợ, vì như vậy khi đến kỳ hạn trả nợ hộ nghèo sẽ không có tiền trả và ngân hàng sẽ không cho vay tiếp.
Yếu tố nghề nghiệp của chủ hộ nghèo cũng tác động đến tiếp cận vốn vay tại NHCSXH Huyện. Để nâng cao tiếp cận vốn vay đối với hộ nghèo, NHCSXH nên mở rộng chương trình cho vay để tạo hộ nghèo có thể đa dạng hóa sinh kế chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 3623/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 của UBND huyện Cầu Kè về việc phê duyệt kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 trên địa bàn huyện Cầu Kè;
2. Nguyễn Văn Vũ An và cộng sự (2016), “Đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ tại xã Đại An, huyện Trà Cú, Chi nhánh tỉnh Trà Vinh”, Tạp chí Kinh tế - Văn hóa - Giáo dục, (22), tr. 28-38;
3. Võ Thị Thúy Anh, Phan Đặng Mỹ Phương (2010), “Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại TP. Đà Nẵng”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, tr. 40;
4. Khander, S. (2005), Microfinance and poverty: Evidence using panel data from Banladesh. Work bank Econom. Revelation, 19: 263-286;
5. Li, X. et al (2011), Accessibility to microcredit by Chinese rural households. Journal of Asian Economics, 22(3), 235-246.