Cách làm hay trong quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Cục Thuế Thừa Thiên - Huế

Nguyễn Tú

Tại địa bàn một tỉnh đang phát triển nhưng còn nhiều khó khăn như Thừa Thiên - Huế, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều sáng kiến nhằm quản lý tốt và tăng thu cho ngân sách. Trong đó, có thể kể đến những sáng kiến quản lý thuế thu nhập cá nhân.

Mặc dù có bước phát triển khá nhưng đặc điểm lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ. Bởi vậy, năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Những năm qua, trước khó khăn khách quan và chủ quan từ trong và ngoài nước, số doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh phải giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất gia tăng… Bởi vậy, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn xác định việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế là những yếu tố quan trọng, góp phần giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Truớc những thuận lợi, khó khăn trên, Cục Thuế đã tổ chức chỉ đạo cán bộ công chức nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, nên 5 năm gần đây, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác quản lý và thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn đã thu được những kết quả hết sức tích cực.

Đạt được kết quả trên là do Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý trong quản lý thuế thu nhập cá nhân. Đó là:

Thứ nhất, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền để người nộp thuế nắm bắt đầy đủ chính sách.

Cục Thuế Tỉnh định kỳ tổ chức các buổi tập huấn cho các đơn vị chi trả tiền lương, tiền công khi có thay đổi về chính sách thuế thu nhập cá nhân, giúp các đơn vị nắm bắt kịp thời văn bản chính sách nhằm thực hiện đúng quy định. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với Hội đồng giáo dục pháp luật của Tỉnh, huyện, thị xã và thành phố trong việc lồng ghép tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế thu nhập cá nhân đến từng tổ chức cá nhân nộp thuế.

Thứ hai, tổ chức tốt phong trào thi đua: Phát động thi đua theo từng tháng, quý và cuối tháng, quý đều có đánh giá, phân loại cán bộ công chức, những đồng chí tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được bình xét phân loại, đề xuất hình thức và danh hiệu khen thưởng thích đáng, công bằng, minh bạch, đã khơi dậy ý thức phấn đấu, lòng tự hào về sự cống hiện của bản thân. Mọi người đều phấn khởi khi được đánh giá đúng thành tích đóng góp của mình.

Thứ ba, xây dựng các sáng kiến, cải tiến phù hợp và triển khai có hiệu quả góp phần tăng thu bù đắp các khoản hụt do chính sách giảm thu.

- Thống kê số thuế đã nộp của năm trước liền kề: Hằng năm trên cơ sở số thực thu, tiến hành lựa chọn các đơn vị các cá nhân có số thực nộp ngân sách lớn, trong số gần 90.000 đối tượng nộp thuế và 3.800 đơn vị chi trả, Cục đã chọn các cá nhân người nộp thuế có mức nộp từ 200 triệu đồng trở lên, và cơ quan chi trả nộp từ 500 triệu đồng trở lên/năm để lập danh sách theo dõi việc kê khai thu nộp năm tới. Với cách làm này, cơ quan Thuế chỉ lọc ra danh sách khoảng 500 trên tổng số gần 93.800 đơn vị chi trả và cá nhân, giao cho mỗi công chức theo dõi từ 70 - 80 đơn vị chi trả và cá nhân để thường xuyên nắm chắc, phân tích phục vụ cho nhiệm vụ thu.

- Tìm cá nhân có số thuế nộp lớn trong năm trước liền kề: Cục Thuế phân công cán bộ theo dõi cụ thể từng cơ quan chi trả và cá nhân người nộp thuế, để rà soát thu nhập xem tổ chức, cá nhân người nộp thuế đã kê khai chính xác, đầy đủ chưa? Bằng biện pháp truy xuất số liệu trên ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân tại chức năng “Danh sách cá nhân có nhiều nguồn thu nhập”, để đối chiếu thu nhập kê khai của người nộp thuế.

Qua đối chiếu này hằng năm cơ quan thuế đã yêu cầu nhiều cá nhân giải trình và yêu cầu kê khai bổ sung nộp các khoản thuế còn thiếu khá lớn vào ngân sách, vừa là cảnh báo có hiệu quả cho người nộp thuế biết tất cả thu nhập phát sinh trên toàn quốc của một cá nhân đều được cơ quan Thuế đưa vào quản lý, hạn chế việc “giấu thu nhập” cũng như việc phải áp dụng các biện pháp xử phạt đối với người nộp thuế.

- Phân công cán bộ thường xuyên theo dõi danh sách cá nhân có nhiều nguồn thu nhập: Căn cứ thông tin trên ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân về “danh sách cá nhân có nhiều nguồn thu nhập” trong năm, đối chiếu với số thuế đã nộp năm trước liền kề ở danh sách “cá nhân có số thuế nộp lớn của năm trước liên kề ” để đánh giá mức độ rủi ro về thuế của cá nhân đó.

- Xác định cá nhân nộp thuế có rủi ro về thuế: Bằng biện pháp phân công người nộp thuế theo danh sách trên cho cán bộ để so sánh đối chiếu, số thuế đã nộp của những người nộp thuế năm trước với số thuế quyết toán năm báo cáo, và dựa vào chính sách thuế để phân tích xác định rủi ro về thuế đối với từng cá nhân. Cục Thuế Tỉnh đã chọn một số người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập và có rủi ro về thuế để kiểm tra quyết toán.

- Kiểm tra quyết toán thuế, yêu cầu giải trình, bổ sung để xử lý truy thu, truy hoàn số thuế phải nộp, hoặc thu hồi số thuế đã hoàn: Khi đã xác định các cá nhân có rủi ro về thuế, chúng tôi yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung để xem xét tính toán cụ thể số thuế phải nộp, trường hợp có vi phạm thì sẽ tiến hành truy thu số thuế phải nộp hoặc thu hồi số thuế đã hoàn.

- Đối với việc quản lý thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản: Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế thường xuyên phối hơp với cơ quan tài chính, tài nguyên - môi trường, tư pháp, đảng ủy, Ủy ban nhân dân các cấp để trao đổi thông tin, vận động, yêu cầu người nộp thuế giải trình, khai đúng giá trị chuyển nhượng, nhất là trong trường hợp bất động sản mua bán thông qua đấu giá nên không thể áp giá do Ủy ban nhân dân Tỉnh quy định (vì giá này thường thấp hơn giá đấu nhiều lần). Cục Thuế cũng thường xuyên đề xuất với Ủy ban nhân dân Tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về cơ chế thu đối với hoạt động chuyện nhượng bất động sản là chỉ nên áp dụng một hình thức thu theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng và hiện đã được Quốc hội đồng ý cho thực hiện từ 01/01/2015.

- Biện pháp quản lý hộ kinh doanh khoán thuế: Quản lý kinh doanh hộ khoán thuế là công việc khá phức tạp, đụng chạm đến nhiều cá nhân kinh doanh và tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế còn có nhiều hạn chế, do vậy để đảm bảo hiệu quả công việc, Cục Thuế coi trọng việc tăng cường chỉ đạo các chi cục thuế phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền các cấp, hội đồng tư vấn thuế để đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người nộp thuế, đồng thời thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình kinh doanh, trên cơ sở đó mà hiệp thương mức thuế khoán và thực hiện đúng quy trình quản lý hộ theo phương châm “Minh bạch - Chuyên nghiệp- Liêm chính - Đổi mới ”.

Thực tiễn chứng minh khi mức thuế phù hợp, được thông báo công khai cho các hộ kinh doanh biết, cơ quan thuế kịp thời kiểm tra, xác minh, điều chỉnh khi có những ý kiến tham gia đóng góp chính đáng của người kinh doanh, sẽ tạo sự đồng tình, tin tưởng của người nộp thuế với cơ quan thuế và chính sự đồng thuận xã hội này là điều kiện cơ bản để Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thành chỉ tiêu thu tốt trong thời gian qua, tỷ lệ tăng thu qua các năm đều đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ nợ thuế ngày càng giảm.