Cách nào giúp doanh nghiệp Việt áp dụng Lean hiệu quả?
Lean chỉ được triển khai bền vững nếu như doanh nghiệp tự thực hiện những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với thực trạng của riêng mình.
Doanh nghiệp loay hoay áp dụng Lean
Lean là mô hình quản trị theo triết lý tinh gọn, bắt đầu xuất hiện từ lĩnh vực sản xuất và dần được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề khác nhau. Mô hình này dựa trên ý tưởng tăng năng suất và giảm lãng phí trong sản xuất.
Ứng dụng mô hình Lean, doanh nghiệp sẽ nhận diện đúng đâu thật sự là những khoản đang gây lãng phí. Khi gọi tên chính xác các lãng phí, doanh nghiệp sẽ có lựa chọn cắt giảm đúng thay vì “cắt nhầm” vào các chi phí thiết yếu, gây ra các thiệt hại không đáng có.
Mô hình này có 3 cấp độ là “sản xuất tinh giản” (Lean Manufacturing), “doanh nghiệp tinh gọn” (Lean Enterprise) và “tư duy tinh gọn” (Lean Thinking). Rất nhiều doanh nghiệp da giày, dệt may, điện - điện tử… đều áp dụng mô hình này nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công, thu về kết quả như mong đợi.
Không ít doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn đang loay hoay trong cấp độ đầu tiên của ứng dụng “sản xuất tinh giản”, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam tiến đến giai đoạn “doanh nghiệp tinh gọn” hoặc “tư duy tinh gọn”.
Thực tế, không ít chủ doanh nghiệp suy nghĩ hiểu lầm rằng Lean là tinh gọn, nghĩa là bao gồm cả tinh giản nhân sự. Trong thực tế, Lean không đề cập đến tinh giản nhân sự mà là tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả nhất, nhanh nhất, chất lượng nhất cho quá trình liên quan đến các nhân sự đang phụ trách.
Đối với các doanh nghiệp đã triển khai Lean thành công, họ sử dụng nhân sự dư ra sau khi tối ưu quá trình để thực hiện các trọng trách lớn hơn nhiều, đó là liên tục cải tiến tại nơi mình làm việc.
Trường hợp không đầu tư người cho công việc cải tiến liên tục toàn thời gian thì sẽ phát sinh thêm một hiểu lầm nữa là việc triển khai Lean khiến nhân viên phải làm việc nhiều hơn.
Doanh nghiệp hầu như chưa thật sự nắm bắt tư duy, bản chất của Lean nên khi triển khai chỉ mang tính hình thức, thiếu chuẩn bị trong việc quản trị hoặc chỉ tập trung vào việc tinh giản chi phí bằng việc cắt giảm nhân sự.
Khá phổ biến ở Việt Nam là việc doanh nghiệp ứng dụng Lean theo phong trào nên việc triển khai chưa tới nơi tới chốn, hoặc sao chép một cách máy móc từ doanh nghiệp khác mà không thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình doanh nghiệp mình.
Nhắc tới Lean, hầu hết các công ty đều mong muốn về một môi trường mới đẹp hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, hiệu quả lại không như mong đợi do yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
Không ít doanh nghiệp thiếu sự kiên trì, không đặt ra mục tiêu từng giai đoạn nên không đạt kết quả. Đôi khi doanh nghiệp có đặt ra mục tiêu nhưng không cụ thể, thiếu sự cam kết, sự quyết tâm từ ban lãnh đạo doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp thì đội ngũ triển khai mỏng về số lượng và yếu chuyên môn, phương pháp triển khai mang nặng tính lý thuyết.
Lãnh đạo công ty phải tiên phong cải tiến, đổi mới
Lean chỉ được triển khai bền vững nếu như doanh nghiệp tự thực hiện những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với thực trạng của riêng mình.
Để ứng dụng mô hình doanh nghiệp tinh gọn thành công, doanh nghiệp cần tập trung vào những quy trình quản lý nội tại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và thay đổi tư duy.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và cạnh tranh mức độ ngày càng gay gắt như hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa, thành công trong việc triển khai Lean mới có thể gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Muốn vậy, ban lãnh đạo các doanh nghiệp phải tiên phong cải tiến, đổi mới để tạo động lực thay đổi tư duy và văn hóa doanh nghiệp cũng như tạo dựng những thói quen mới cho toàn thể bộ phận công nhân viên góp phần thúc đẩy Lean.