Cách nào "rã đông" nghìn tỷ nhà ở tái định cư?
Hàng nghìn tỷ đồng đang bị “chôn vùi” trong các dự án nền đất, căn hộ phục vụ tái định cư không có người ở. Trong bối cảnh "cơn khát" nhà ngày càng lên cao, việc tìm giải pháp để xử lý triệt để số lượng căn hộ xây xong rồi bỏ hoang hiện tại là yêu cầu cấp thiết.
Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 11.681 căn hộ và nền đất tái định cư, trong đó khoảng 6.500 căn hộ, nền đất đã được phân bổ cho quận, huyện để phục vụ người dân và dùng làm quỹ dự phòng, còn lại hơn 5.000 căn hộ và nền đất (4.927 căn hộ và 41 nền đất) đang chờ đấu giá.
Nghìn tỷ “đắp chiếu”
Trước đó, báo chí cũng từng phản ánh TP. Hồ Chí Minh hiện có 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ trống trong nhiều năm, chi phí duy tu bảo dưỡng hơn 70 tỷ đồng/năm. Trong đó có hàng nghìn căn hộ tái định cư nằm giữa khu đất vàng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Đơn cử như khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4 ha, được xây dựng từ năm 2013 và hoàn thành năm 2015. Đây là dự án trọng điểm được UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu phải trở thành dự án kiểu mẫu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân.
Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thành đến nay, đã qua gần 10 năm, nhưng hàng ngàn căn hộ ở đây vẫn cửa đóng, then cài không có người ở. Nguyên nhân là bởi người dân tái định cư khi ở đây đều không tính được kế sinh nhai, hạ tầng không phù hợp cho người dân làm ăn, buôn bán...
Tương tự, nhiều block chung cư đã xây xong như ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) nhưng để cỏ mọc hoang, nhiều chỗ trở thành nơi đổ rác thải. Nhiều căn hộ cửa đóng then cài nằm phơi sương gió, tường bong tróc, ngả màu, bụi đóng lớp dày trên nền gạch.
Cùng chung số phận, hàng ngàn căn hộ tái định cư ở các dự án tại Hà Nội cũng đang rơi vào cảnh bỏ hoang, thưa thớt người về ở. Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý II/2022 trên địa bàn Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận trên địa bàn đang có 5 khu nhà tái định cư “đang hoàn thiện”.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, tình trạng nhà ở tái định cư bị bỏ hoang là vì nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Đơn cử, tại quận Bắc Từ Liêm, dự án tái định cư CT4 có 130 căn hộ, qua kiểm tra có 2 nội dung cần được tháo gỡ là bổ sung nguồn vốn thực hiện và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy.
Hay tại quận Hoàng Mai, dự án khu nhà BC Trần Phú (do Ban QLDA công trình dân dụng làm chủ đầu tư), hiện còn vướng liên quan công tác xả thải. Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn toàn bộ quy trình, thủ tục liên quan. Dự án đang trong quá trình nghiệm thu, sắp tới sẽ đưa vào sử dụng.
Cách nào “hồi sinh”?
Có thể thấy, trong các báo cáo chỉ ra nguyên nhân khiến hàng nghìn căn nhà ở tái định cư còn chậm đưa vào sử dụng vì thiếu vốn, các thủ tục phòng cháy chữa cháy, công tác xả thải… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân thực sự là vì nhà xây xong chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Như trong số gần 5.000 căn hộ tái định cư đang làm thủ tục bán đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh, đa số nằm ở khu vực ngoại thành, không phù hợp nhu cầu của người dân hoặc căn hộ xây dựng quá lâu, số lượng không lớn. Nhiều khu nhà được xây dựng ở quá xa siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện... khiến cư dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Bàn về vấn đề trên, trong một hội nghị vừa qua, ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế chia sẻ câu chuyện trước đây khi còn làm lãnh đạo doanh nghiệp, để đẩy nhanh dự án, công ty ông tiến hành đền bù gấp đôi cho người dân, cùng với đó là tính toán kỹ lưỡng khi làm nhà tái định cư.
Cụ thể, khi làm khu chế xuất, ông Dưỡng cùng ban quản lý dự án đã tính toán xây dựng khu tái định cư Tân Mỹ cạnh Phú Mỹ Hưng. Với vị trí này, khi hạ tầng đường Nguyễn Văn Linh cũng như Phú Mỹ Hưng được xây dựng lên, khu vực sẽ chuyển mình từ vùng đầm lầy sang khu đô thị khang trang, hiện đại. Người dân cũng thấy ngay được lợi ích nên đồng thuận rất nhanh.
Dù mỗi dự án sẽ có những đặc thù riêng, nhưng câu chuyện của ông Dưỡng là một dẫn chứng điển hình để các nhà quản lý suy ngẫm khi xây dựng giá đền bù cũng như thay đổi tư duy bố trí, sắp xếp vị trí nhà tái định cư cho người dân phải di dời trong các dự án.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát.
"Nhà tái định cư phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời", ông Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu của các hộ dân thuộc diện tái định cư, các chuyên gia cũng cho rằng cần đẩy nhanh quá trình đấu giá các dự án căn hộ, nền đất tái định cư. Cùng với đó là tính toán phương án chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê, từ đó giải cơn khát nhà ở đang ngày càng nghiêm trọng thời gian qua.