Cải cách hành chính năm 2023, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai 6 giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành mục tiêu chung của công cuộc cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong năm 2023 Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Tài chính, tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh.
Năm 2022, Tổng cục Thuế thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ của kế hoạch CCHC như: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.
Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.
Nỗ lực CCHC của ngành Thuế trong thời gian qua đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ghi nhận và biểu dương. Năm 2023, phát huy kết quả đã đạt được, toàn ngành Thuế tiếp tục tập trung thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, toàn Ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về thuế; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản pháp luật về thuế; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật thuế; Đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh.
Trong đó, mục tiêu cơ bản đặt ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến với các chi phí thấp nhất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy tờ, thúc đẩy giao dịch điện tử.
Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để kịp thời khơi thông và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thực hiện nhanh quá trình phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển
Thứ tư, đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng thuế điện tử (Etax Services), Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến bằng dữ liệu theo thời gian thực; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số theo các quy định tại các Nghị quyết của Chính phủ. Rà soát, chuẩn hóa quy trình, TTHC để đảm bảo duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng CNTT hiện đại hóa công tác quản lý thuế; trong đó, tập trung mở rộng triển khai các dịch vụ: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản...
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu toàn Ngành tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Điện tử hóa trong khâu ban hành thông báo nợ, phân công, phân loại nợ, thu gọn lại các nhóm nợ thuế, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Tiếp tục triển khai nâng cấp phần mềm, hệ thống CNTT đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến; Triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử, kho cơ sở dữ liệu NNT, trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử...
Đồng thời, tổ chức vận hành, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống an toàn thông tin; dịch vụ khai, nộp, hoàn điện tử đảm bảo hệ thống hoạt động thường xuyên, liên tục; xử lý các lỗ hổng bảo mật đảm bảo an toàn hệ thống, chú trọng thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Thuế.