Bộ Tài chính: Nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

PV.

Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP trong năm 2017, tầm nhìn 2020.

Những nỗ lực cải cách hành chính của ngành Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Nguồn: Internet
Những nỗ lực cải cách hành chính của ngành Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Nguồn: Internet

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh 

Chương trình hành động của Bộ Tài chính yêu cầu triển khai nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện và hiệu quả Công văn số 3419/BTC- PC ngày 15/3/2016 về việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 225/QĐ- TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1491/QĐ-BTC ngày 30/07/2015 của Bộ trường Bộ Tài chính ban hành kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát 270 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý (trong đó: lĩnh vực hải quan 178 thủ tục, lĩnh vực thuế 28 thủ tục, lĩnh vực công sản 56 thủ tục...). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đơn giản hoá hoặc bãi bỏ các TTHC không cần thiết; phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan thực hiện rà soát trên 400 văn bản có quy định TTHC hải quan.

Bên cạnh đó, mở rộng triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển; Kết nối với 40 hãng hàng không để kịp thời nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu; Thí điểm triển khai hệ thống thông tin quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công hàng xuất khẩu; Kết nối được 11/14 bộ và thực hiện 39 TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, góp phần cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các TTHC thuế, hải quan. Những nỗ lực này được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao.

Đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 
Chương trình hành động cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải nghiêm túc thực hiện đúng thời hạn Quyết định số 2765/QĐ-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, cùng các thông báo chỉ đạo của Bộ thực hiện Nghị quyết sổ 36a/NQ-CP trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.

Được biết, tính đến hết ngày 31/5/2017, tổng số TTHC tại Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 933 thủ tục, trong đó bao gồm: 264 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 335 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 85 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 246 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, đã có trên 580 nghìn doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng (99,88% số doanh nghiệp đang hoạt động); Có trên 569 nghìn doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế và ngân hàng thương mại; Mở rộng nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử để kết nối trực tiếp dữ liệu với người nộp thuế...

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức dài hạn và hàng năm
Nhằm thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính xác định nhân tố con người là một trong những giải pháp trọng tâm. Do vậy, tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức dài hạn và hàng năm.
Theo đó, ngành Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch và biên chế công chức ngành tài chính đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công chức thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và dài hạn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2017. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chương trình hành động của Bộ Tài chính xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn là: Cải cách hành chính (CCHC), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền tiếp cận bình đẳng nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Nhiệm vụ giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.