Cải cách thông quan, khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu
Những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan các cấp thời gian qua đã góp phần khơi thông dòng chảy xuất nhập khẩu, xác lập kỷ lục mới với kim ngạch hơn 780 tỷ USD trong năm 2024.
Cải cách, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 105,22 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 50,81 tỷ USD và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 54,41 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam năm 2024 thặng dư 24,77 tỷ USD. Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Con số ấn tượng nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa, hỗ trợ xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan. Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo việc quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; cắt giảm thời gian thực hiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ từ thể chế đến cải cách hiện đại hóa hải quan.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, thời gian qua, Tổng cục đã tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hải quan theo hướng cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại; tích cực triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Đề án thí điểm triển khai mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn; đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ.
Toàn Ngành đã triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu để tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản – mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: ưu tiên thực hiện thủ tục thông quan đối với hàng hóa là nông sản, hàng hóa dễ hư hỏng, chỉ đạo các đơn vị Hải quan địa phương trao đổi với địa phương nước bạn để thống nhất tăng cường thời gian thông quan qua các cửa khẩu...
Với trọng tâm là cải cách, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan, ngành Hải quan đã tập trung xây dựng Đề án mô hình Cửa khẩu số cho các cửa khẩu đường bộ; Đề án mô hình cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn; mô hình thí điểm kết nối chia sẻ thông tin cặp cảng biển Việt Nam – Hoa Kỳ. Đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện Đề án Hải quan số, Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan đã tập trung lực lượng khẩn trương khảo sát đối với nội dung nghiệp vụ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và quản trị vận hành hệ thống làm cơ sở xây dựng các bài toán thuộc Đề án; rà soát các quy trình nghiệp vụ, xây dựng bài toán thiết kế cơ sở, danh sách chức năng, xây dựng usecase và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ để phục vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu ghiệp vụ trong thông quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng quy trình nghiệp vụ, mô tả và các chức năng thiết kế đối với các bài toán quản lý của Ngành (trước và sau thông quan) theo nguyên tắc phải kết nối với quy trình nghiệp vụ, mô tả và các chức năng thiết kế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo trong tổng thể bài toán quản lý.
Cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành
Năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean. Đồng thời, chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị kiểm tra giám sát hiện đại, tăng cường kết nối các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát quản lý và quản lý nội bộ; hợp tác trao đổi thông tin dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới…
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan tiếp tục là đầu mối tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tổng cục chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này báo cáo Ủy ban tạo thuận lợi thương mại 1899 hoặc kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa phải quản lý, kiểm tra, tăng đối tượng miễn, giảm kiểm tra; Áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, cắt giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra. Cùng với đó là đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành thực hiện thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, đặc biệt là tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Ngành Hải quan cũng chủ động theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phản ánh đến các bộ quản lý chuyên ngành về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi và nhiều kiến nghị của Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận, tìm phương hướng xử lý, cụ thể như: chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới; vướng mắc về việc nhập khẩu mặt hàng bông rơi chải thô dùng làm nguyên liệu sản xuất sợi; vướng mắc về nhập khẩu sản phẩm phụ gia thức ăn chăn nuôi chứa tiền chất…
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khác cũng được cơ quan hải quan các cấp triển khai thường xuyên. Các đơn vị đã chủ động hướng dẫn xử lý các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp như: Hướng dẫn thực thi quy định pháp luật về thuế, hải quan; giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan; công khai mức độ tuân thủ; đào tạo kiến thức hải quan; tổ chức các hoạt động đối thoại, tập huấn, hội thảo...
Ghi nhận những nỗ lực của ngành Hải quan, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đánh giá rất cao các giải pháp cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số của ngành Hải quan, từ khâu xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ đến khâu thực thi. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, ngành Hải quan triển khai rất tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số, dữ liệu hóa cũng như tích cực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân thông qua cắt giảm các thủ tục hành chính, tối giản quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều lô hàng, sản phẩm trước đây làm thủ tục mất 10 - 15 ngày, nay chỉ thông quan ngay trong ngày, thậm chí tính bằng giây nếu nộp đủ các thủ tục, chứng thư qua hệ thống hải quan điện tử. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.