Cải cách thủ tục hành chính hải quan - “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Hà Anh

Những cải cách thủ tục hành chính của cơ quan hải quan trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ý nghĩa hơn, công tác này không chỉ được doanh nghiệp, người dân “chấm điểm”, đánh giá cao, mà còn là yếu tố đòn bẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị.

Ngày 7/12, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Cải cách hải quan và Triển vọng thương mại do Bộ Tài chính và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) đồng tổ chức.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, Hội nghị “Cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam” được tổ chức là một minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện môi trường về triển vọng của thương mại toàn cầu để tiếp tục có những bước đi phù hợp.

Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg về Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước giai đoạn tới. Chiến lược đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; từng bước phát triển thương mại trong nước ổn định, bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Có thể nói, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển thương mại Việt Nam.

“Với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP, các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định, trong đó có thể kể đến việc áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thông qua việc triển khai Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Phân tích về những lợi ích khi doanh nghiệp triển khai Chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, doanh nghiệp tham gia Chương trình này sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí tất cả các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên Cơ chế một cửa quốc gia; thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với định hướng tiệm cận với Khung tiêu chuẩn an ninh và Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Hải quan thế giới...

Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi... chính là đòn bẩy tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút "làn sóng" đầu tư vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đánh giá cao Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, Dự án này đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan; nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công- tư hiệu quả.

Tiếp tục giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp

Nhằm tiếp tục thực hiện những cải cách quan trọng đối với thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, ông Bradley Bessire - Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ: Trong hai thập kỷ qua, USAID luôn ủng hộ hoạt động tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam. Thông qua dự án này đã góp phần giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp. Những nỗ lực chung nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành đã mang lại những kết quả rõ rệt.

Đơn cử như USAID đã hỗ trợ Tổng cục Hải quan ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan và xây dựng nghị định kiểm tra chuyên ngành. Những cải cách về pháp lý này sẽ mở ra một mô hình kiểm tra mới được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan đóng vai trò là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành, tuân theo chế độ dựa trên hàng hóa và các nguyên tắc quản lý rủi ro.

Theo ông Bradley Bessire, để tiếp tục giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp, từ đó cải thiện tiếng nói của khu vực tư nhân trong vận động chính sách và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Cũng tại Hội nghị, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (PMU) cho biết, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cho cơ quan hải quan phải kịp thời cải cách, đổi mới, phải nghiên cứu, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

“Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ của xu hướng tiêu dùng, quảng bá sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng, do ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bùng nổ của thương mại điện tử quốc tế đòi hỏi cơ quan hải quan phải có chính sách quản lý phù hợp theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh.